Diện Tích Nông Nghiệp Đbscl, Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn

*

Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng dừa thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Đang xem: Diện tích nông nghiệp đbscl

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước các biến đổi khó dự đoán nhất trong lịch sử kiến tạo, nhất là các thay đổi về chế độ thủy văn và sụt lún đất. Những biến đổi này được dự báo sẽ tác động sớm và mạnh đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bài 1: Những hướng đi phù hợp

Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Những kết quả đạt được sau hơn một năm triển khai đã cho thấy nỗ lực của từng địa phương cũng như hướng đi đúng đắn của toàn ngành nông nghiệp.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Theo Nghị quyết 120, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng vào công tác rà soát, điều chỉnh chiến lược, định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách mới, mang tính đột phá nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại; quy hoạch thủy lợi phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng đề án bảo vệ bờ biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, phòng, chống xói lở bờ biển…

Nhìn từ các địa phương, qua hơn một năm triển khai Nghị quyết 120, tỉnh Bến Tre đã đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng BĐKH thực hiện khá tốt. Giám đốc Sở NN và PTNT Bến Tre Bùi Văn Lâm cho biết: Ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh điều chỉnh quy hoạch cấp nước, quy hoạch nuôi trồng thủy sản, quy hoạch sử dụng đất tích hợp cùng quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, ngành nông nghiệp sắp xếp, triển khai quy hoạch ở ba vùng sinh thái gồm: mặn, lợ, ngọt. Hiện nay, diện tích canh tác lúa giảm 10 nghìn ha để chuyển sang nuôi thủy sản ở vùng mặn, trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như: dừa, cây ăn trái, rau màu, cỏ… Qua đó, giúp sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững. Hiện tại, nhiều địa phương ở huyện Giồng Trôm như: Hưng Nhượng, Châu Bình, Tân Thanh… có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá lớn. Tại xã Châu Bình, diện tích lúa hiện chỉ còn 185 ha, giảm hơn 70 ha so với năm 2018. Tính chung trong toàn huyện, năm 2014 có khoảng 4.500 ha lúa thì hiện nay chỉ còn 2.200 ha.

Sản xuất dưa lưới công nghệ cao.

Tỉnh Tiền Giang cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa với diện tích hơn 12.900 ha, trong đó, chuyển sang cây ăn quả 9.850 ha. Cụ thể, thanh long, bưởi da xanh cho lợi nhuận cao gấp 10 lần trồng lúa, lợi nhuận từ cây sầu riêng có thể lên đến một tỷ đồng/ha/năm, gấp 18 lần trồng lúa. Từ đó, hình thành vùng sản xuất liên kết, tập trung. Điều đáng nói là việc chuyển đổi cây trồng giúp cải thiện môi trường canh tác do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm nước so với trồng lúa, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.

Vào thăm vùng chuyên canh cây thanh long của HTX Kiểng Phước Gò Công tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, ít ai ngờ rằng chỉ mấy năm trước, đây là vùng đất khô cằn, sản xuất bấp bênh do bị nhiễm mặn khá nặng. Giám đốc HTX Kiểng Phước Gò Công Võ Văn Ra cho hay: Hiện, vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ rộng hơn 30 ha của 30 hộ dân tham gia HTX đã bắt đầu cho quả. Trong vụ đầu, lợi nhuận từ thanh long ruột đỏ khoảng 100 triệu đồng/ha. Đến nay, diện tích lúa chuyển đổi sang trồng thanh long tại xã Kiểng Phước đã hơn 80 ha và sẽ còn tiếp tục được mở rộng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết: “Sau đợt hạn mặn năm 2016, tỉnh đã khảo sát, đánh giá diện tích lúa chết do nhiễm mặn ở khu vực phía đông, từ đó xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng. Nhiều diện tích lúa đã chuyển đổi hẳn sang trồng cây ăn quả và cho những thành công bước đầu. Riêng khu vực trồng cây ăn quả trọng điểm ở phía tây tỉnh cũng đã được đầu tư các dự án đê bao, cống để ngăn triều cường, xâm nhập mặn.

Không chỉ với cây trồng, thực hiện định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL, thủy sản cũng là một ngành chủ lực được quan tâm gắn với thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất. Tại tỉnh Bạc Liêu, dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đang thực hiện phân khu trung tâm với diện tích ban đầu hơn 103 ha. Đây là hạt nhân chính của toàn khu, được Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, sau đó kêu gọi doanh nghiệp chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Khu nông nghiệp này hướng tới mục tiêu làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL, đồng thời làm nòng cốt, động lực để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Xem thêm: Các Cách Tính Chu Kỳ Kinh Nguyệt Để Sinh Con Trai Chuẩn Nhất

Bên cạnh đó, đây là trung tâm liên kết với các viện, trường, các doanh nghiệp, tạo thành một chuỗi phức hợp từ khâu nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, đến các khâu nuôi tôm siêu thâm canh, sản xuất chế biến, bảo quản tôm; nghiên cứu sản xuất thức ăn cho tôm… Trong khi đó, để thích ứng BĐKH, tỉnh An Giang cũng đã hình thành một số mô hình sinh kế mùa nước nổi được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) hỗ trợ thực hiện thí điểm tại hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ làm mô hình nuôi tôm càng xanh vùng ngập nước đầu nguồn huyện An Phú…

Rà soát quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai

Để phát triển bền vững ĐBSCL, việc rà soát quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai là yêu cầu cấp thiết, bảo đảm giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai và chủ động ứng phó các kịch bản BĐKH bất lợi nhất. Thực tế những năm qua, nhiều địa phương đã chịu thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở. Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, sạt lở bờ biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã xóa sổ 110 ha đất sản xuất của người dân, trong đó, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 9,5 km với 97 hộ dân đang sinh sống, khiến nhiều hộ dân bị mất đất, mất nhà. Trước tình hình này, tỉnh đã tập trung triển khai các dự án từ vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ODA như: thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL tại Bến Tre (vốn IFAD); hệ thống thủy lợi bắc Bến Tre, hệ thống thủy lợi nam Bến Tre, dự án quản lý nước tỉnh Bến Tre (JICA3); dự án cung cấp nước cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng; các dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển Bến Tre… với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 33 km đê bao dọc sông Cổ Chiên và Hàm Luông với 10 cống lớn, nhỏ phục vụ trữ nước ngọt, ngăn mặn cho chín xã của tiểu vùng một để trồng dừa và sản xuất lúa. Mặc dù có hệ thống đê bao nhưng hằng năm, nước mặn vẫn từ huyện Mỏ Cày Nam theo sông Cái Quao chảy ngược về huyện Thạnh Phú. Khi đó, một số vùng sẽ bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập. Thời gian tới, khi thực hiện dự án quản lý nước Bến Tre, dự án thủy lợi nam Bến Tre sẽ giúp khép kín hoàn toàn, nhằm ngăn mặn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Cùng với Bến Tre, những năm gần đây, tình hình BĐKH diễn biến hết sức phức tạp tại Bạc Liêu. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, thời gian qua, do mực nước biển dâng trung bình 3,34 mm/năm kết hợp với sụt lún khoảng 7,28 mm/năm, gây ngập tăng tổng cộng 10,62 mm/năm, kết hợp với triều cường, nhất là các đợt triều cường dâng cao đã làm nước kênh Bạc Liêu – Cà Mau tràn qua quốc lộ 1A, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, tuyến đê Biển Đông đã xuống cấp nghiêm trọng, nhất là một số đoạn thuộc TP Bạc Liêu và hai huyện Hòa Bình và Đông Hải, cho nên không còn khả năng ngăn nước khi thủy triều dâng cao.

Trước thực tế đó, tỉnh đã và đang triển khai các dự án về ứng phó BĐKH với tổng kinh phí hơn 20 nghìn tỷ đồng. Hiện 16 dự án giai đoạn 2012 – 2020, với nguồn kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng đang được thực hiện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động của BĐKH, nhất là nước biển dâng như: tiểu dự án nâng cấp tuyến đê Biển Đông, tiểu dự án kè chống sạt lở khu vực cửa biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tiểu dự án thí điểm “đê mềm” để gây bồi tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển khu vực cửa biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu).

Đánh giá chung về tình hình thực hiện Nghị quyết 120 thời gian qua, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: Triển khai Nghị quyết 120, Bộ NN và PTNT đã chủ động xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Bộ đã ban hành và tham gia xây dựng một loạt chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung, trong đó có ĐBSCL.

Xem thêm: Hướng Dẫn Soạn Thảo Mẫu Công Văn Gửi Đối Tác, Cách Hướng Dẫn Viết Công Văn

Hiện nay, Bộ cũng đang tham gia phối hợp sửa đổi Luật Đất đai để thúc đẩy tập trung đất nông nghiệp và chủ trì sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa. Ngoài ra, Bộ tiếp tục đẩy mạnh dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL do WB tài trợ. Cộng hưởng hiệu quả của các chính sách trước đó, ĐBSCL đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh các nông sản chủ lực, cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo định hướng thị trường, thích ứng hơn với BĐKH, bảo đảm chất lượng và năng lực cạnh tranh. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, tăng trái cây, tăng chăn nuôi và giảm dần lúa.

(Còn nữa)

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Diện tích