Tiêu Luận Tư Tưởng Nhân Văn Hồ Chí Minh Trong Di Chúc Phần Viết Về Việc Riêng

*

*

*

*

*

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh sứ mệnh thiêng liêng và cao cả do dân tộc Việt Nam giao phó là cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh vì độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc, tự do cho nhân dân. Trước khi đi xa, Người không có gì phải hối hận, nhưng tiếc rằng không còn phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đảng và nhân dân Việt Nam đang tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước đến thành công.

1. Trọn vẹn cả cuộc đời dâng hiến

Năm 1968 là lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa, bổ sung nhiều nhất cho bản Di chúc. Điều đáng chú ý của phần viết bổ sung là Người đề cập đến việc riêng, trong đó có đoạn: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(1).

Đang xem: Tiêu luận tư tưởng nhân văn hồ chí minh trong di chúc phần viết về việc riêng

Việc riêng? Đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về bản thân, nhưng ý nghĩa thì không riêng cho cá nhân, mà toát lên một nhân cách lớn, cao đẹp của con người suốt đời lo cho dân cho nước. Như vậy, việc riêng nhưng là cái chung mà bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng mong đạt tới. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có điều gì phải hối hận, nhưng tiếc thì có; không phải tiếc vì mình chưa có vật chất đủ đầy, cao sang… mà tiếc là không còn sống lâu hơn nữa để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là sự tiếc nuối của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, sự tiếc nuối của người “Anh hùng dân tộc vĩ đại”(2), “Nhà văn hóa kiệt xuất”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh không hối hận khi “phải từ biệt thế giới này”, vì cả cuộc đời đã chủ động, sẵn sàng hiến dâng cho sự nghiệp ba giải phóng: Giải phóng dân tộc; Giải phóng xã hội – giai cấp; Giải phóng con người. Ở thời niên thiếu, tương lai rộng mở trước mắt Người là học hành đỗ đạt để có chỗ đứng “danh giá” trong xã hội. Bởi, Người là con quan, là thanh thiếu niên vốn có tư chất thông minh. Nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự chọn con đường khác, gian khổ trăm bề: ra đi tìm mục tiêu và con đường cứu nước mới cho dân tộc. Qua lăn lộn với cuộc sống của nhân dân lao động quốc tế, Người giác ngộ, tìm thấy mục tiêu và con đường cứu nước theo cách mạng vô sản, đưa nó về nước, tổ chức lực lượng giải phóng dân tộc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đó, trở thành người tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hòa nhịp đập trái tim với những người cần lao đang khát vọng giải phóng vươn lên làm chủ cuộc đời mình, đúng như “Điều mong muốn cuối cùng” của Người trong bản Di chúc viết từ năm 1965 cho tới năm 1969 vẫn giữ nguyên không sửa chữa: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(5). Cũng giống như khi trả lời các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói rằng, mỗi khi phải ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội, Người luôn nghĩ đến đồng bào, nghĩ đến độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân; rằng, dù không có vợ con nhưng mọi thanh thiếu niên là con cháu của Người, mỗi khi họ hy sinh là Người như đứt từng khúc ruột; “mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”(7); rằng, miền Nam luôn trong trái tim của Người, ngày nào miền Nam còn chưa được giải phóng khỏi sự xâm lược của đế quốc Mỹ, thì ngày đó, Người còn ăn chưa ngon ngủ chưa yên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – người một lần bị tuyên án tử hình vắng mặt ở Tòa án Nam triều năm 1929 tại Vinh (Nghệ An) và hai lần bị vào tù (một lần của thực dân Anh (1931-1932), một lần của chính quyền Tưởng Giới Thạch (1942-1943))  – một con người hoạt động gian khổ, sống cuộc sống thiếu thốn về vật chất, luôn bị mật thám đế quốc theo dõi; đồng thời, còn bị một số đồng chí quốc tế và trong nước hiểu nhầm, đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của cái thiện, lẽ phải, chính nghĩa, vì luôn mưu việc lớn với mục tiêu cuối cùng là góp phần giải phóng con người cần lao.

Tinh thần, thái độ và hành động phục vụ cách mạng, theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng tức là tinh thần làm đầy tớ, công bộc, làm trâu ngựa cho nhân dân. Bằng sự nghiệp dâng hiến cho giải phóng và chấn hưng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy thành quả là nước nhà được độc lập, nhân dân Việt Nam được sống trong chế độ chính trị do mình làm chủ, dân tộc Việt Nam đã đứng trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và sự tiến bộ xã hội. Người đã sống với cả cuộc đời như thế và đúng là Người không có gì phải hối hận khi từ biệt thế giới này vào năm 1969.

Sự tiếc nuối không dành riêng cho bản thân, mà Người dành cho cái bao la của sự nghiệp. Đây chính là sự biểu đạt rõ nhất về nhân phẩm, tính cách của Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi năm 1969 có thanh thản không? Một câu hỏi không dễ trả lời. Có thể là thanh thản, nhưng chưa toàn vẹn khi xem lại bút tích bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới thấy tiếc, tiếc cho sức của mình, theo quy luật sinh học, đã cạn nên không còn được làm đầy tớ thật trung thành, phục vụ nhân dân được nữa.

2. Tiếp nối tinh thần phục vụ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếc không còn được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Nhưng, tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản quý báu, vẫn còn sống mãi với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, đang và sẽ soi đường, chỉ lối, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam tiến lên phía trước trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội – con đường do chính Người đã tìm ra và hướng dân tộc đi tới.

Xem thêm: Bìa Luận Văn Đại Học Bách Khoa Tphcm, Luận Văn Thạc Sĩ Đại Học Bách Khoa

Năm 2019, năm có ý nghĩa đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Toàn Đảng, toàn dân sẽ được kiểm chứng thêm những kết quả trong quá trình vận hành sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đất nước cán đến các mốc kỉ niệm lớn, trong đó có việc nhìn lại 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – những vấn đề thuộc về nhiệm vụ thời hậu chiến mà Người dặn lại cho hậu thế.

Ở khía cạnh phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, để tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần chú trọng thêm những vấn đề sau:

Một là, Đảng phải luôn coi mình là con đẻ của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng, Đảng từ trong xã hội mà ra, tức là dân lập ra Đảng, Đảng ta là đảng con nòi xuất thân từ giai cấp lao động, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc. Như vậy, giữa Đảng và dân có mối quan hệ huyết thống; quan hệ Đảng – Dân là quan hệ máu thịt.

Là lãnh tụ của một đảng, trong đó có 24 năm với cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc các tổ chức trong hệ thống chính trị được thành lập là để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(9). Trong Di chúc, khi viết về những công việc thời hậu chiến, Người cho rằng: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”(10). Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(11). Mọi cán bộ, đảng viên, tất cả mọi tổ chức của hệ thống chính trị đều phải có trách nhiệm phục vụ nhân dân – đó là tâm niệm và hành động nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể cả khi Người đứng ở “đỉnh tháp của quyền lực”, nhưng Người biết quyền lực đó do đâu mà có và phải làm như thế nào để xứng với quyền lực do dân “ủy thác”. Ngay khi mới giành được chính quyền, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn tuyên bố rằng: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui… Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(12). Chức quyền là để phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng.

Hai là, Đảng phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Đảng ra đời và phát triển không vì mục đích tự thân mà vì nhân dân. Đảng phải có trách nhiệm, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tài sản lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là niềm tin của dân đối với Đảng. Đảng đã được dân tin tưởng, giao cho trách nhiệm cầm quyền. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”(13). Do vậy, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(14). Có thể nói rằng, thắt chặt mối quan hệ Đảng – Dân giai đoạn hiện nay là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước và cũng là điều kiện để Đảng tồn tại và phát triển.

Ba là, tiến công mạnh mẽ hơn vào cuộc chiến đấu khổng lồ là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cuộc “chiến đấu khổng lồ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong Di chúc, đã hiện diện ngày càng rõ hơn ở mức độ và tính chất phức tạp của nó. Trong hoàn cảnh đó, 50 năm qua, Việt Nam đã tiến những bước dài về chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Cả nước đã thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ về việc ghi nhớ công lao của các thế hệ cha ông trong các cuộc kháng chiến và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đất nước Việt Nam trải qua những năm tháng cam go của chiến tranh, mà có thể nói rằng, hầu như không gia đình nào là không có sự hy sinh, mất mát. Việc phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”; những nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng, tôn tạo; những cuộc quy tập mộ liệt sĩ trong những năm qua chính là sự tri ân của các thế hệ người Việt Nam đối với những người đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tính mạng cho sự phát triển của dân tộc.

Từ năm 1969 đến năm 2019 – 50 năm đã trôi qua. Đó là quãng thời gian không dài so với lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, nhưng đó là quãng thời gian đầy biến động khó lường của thế giới và của đất nước. Sự phát triển của Việt Nam chưa bao giờ lại bị thử thách lớn như giai đoạn hiện nay. Đồng thời, tâm lí của con người Việt Nam cũng chưa bao giờ lại bị tác động bởi cái ý chí phát triển nhanh, bền vững để sánh vai với các cường quốc năm châu như giai đoạn hiện nay. Cái cường khí xung năng cần lắm cho Việt Nam sau gần 50 năm đó. Nhìn lại 50 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhìn ở cái thế phát triển bền vững, để xem lại chính bản thân mình, quy chiếu với những lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp tục hành động- hành động cho sự cường thịnh của nước nhà, cho hạnh phúc của con dân đất Việt.

Xem thêm: Hướng Dẫn Cách Tính Poker Đơn Giản Và Hiệu Quả Nhất Cho Ngườii Chơi

Hành động như thế cũng có thể coi như là sự khỏa lấp phần nào sự tiếc nuối của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi trong Di chúc./.

———————————————-

(1), (2), (4), (5), (7), (8), (10), (11), (13) và (14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.615, 627, 674, 624, 674, 626-627, 616, 611-612, 612 và 612

(3) Xem Nghị quyết 18.6.5 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sách “UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”do GS,TS. Mạch Quang Thắng, PGS,TS. Bùi Đình Phong, TS. Chu Đức Tính (đồng chủ biên), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.71-722

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Luận văn