Tiểu Luận Tội Khủng Bố Chống Chính Quyền Nhân Dân Theo Bộ Luật Hình Sự 2015

Điều luật này được xây dựng trên cơ sở Điều 84 BLHS năm 1999. So với Điều 84 BLHS năm 1999, Điều 113 BLHS năm 2015 có điểm mới và được sữa đổi, bổ sung năm 2017.

Đang xem: Tiểu luận tội khủng bố chống chính quyền nhân dân

*

Ảnh minh họa.

Điều 113 BLHS năm 2015 có bốn điểm mới so với Điều 84 BLHS năm 1999:

-Bổ sung một số hành vi phạm tội mới, đó là: thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; phá hủy, chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc bổ sung này đồng nghĩa với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của điều luật, mở rộng tội phạm.

-Bổ sung tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế là khách thể bảo vệ, đối tượng tác động của tội phạm này.

Việc bổ sung các nội dung nêu trên để phù hợp với Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013, các điều ước quốc tế về phòng chống khủng bố, tài trợ khủng bố mà Việt Nam là thành viên và đáp ứng yêu cầu phòng, chống khủng bố trong những năm gần đây.

-Bổ sung quy định hình phạt áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội (phạt tù từ 01 năm đến 05 năm).

 Khách thể của tội phạm

Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân trực tiếp đe dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể; đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tinh thần của con người.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là một trong các hành vi cụ thể sau đây:

-Xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác là hành vi giết người như bắn, chém, đầu độc,… Hình thức, phương pháp, công cụ, phương tiện, thủ đoạn thực hiện hành vi giết người tùy thuộc từng trường hợp cụ thể, nhưng thông thường là rất tàn bạo. Đó có thể là đánh bom, mìn, xả sung tại các nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc đầu độc tập thể…

-Phá hủy, chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

-Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

-Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố.

-Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố.

Như trên đã đề cập, so với BLHS năm 1999, có một số hành vi mới được bổ sung vào Điều 113 BLHS 2015. Việc tội phạm hóa các hành vi ấy là để phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013 của Nhà nước ta, nội luật hóa quy định có liên quan của các điều ước quốc tế về chống khủng bố, chống tài trợ khủng bố mà Việt Nam là thành viên và đáp ứng yêu cầu phòng, chống khủng bố trong tình hình mới. Tuy nhiên, xét về kỹ thuật lập pháp cho thấy, việc bổ sung các hành vi thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố, cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố vào Điều luật này với tên tội danh là tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là chưa thực sự khoa học. Bởi lẽ: thứ nhất, các hành vi nêu trên hoàn toàn khác, độc lập với hành vi khủng bố được nêu trong tên của điều luật, đó là hành vi khủng bố, tức là hành vi phạm tội khủng bố của người thực hành. Trong khi đó, các hành vi thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố không phải là hành vi phạm tội khủng bố của người thực hành. Hai là, các hành vi phạm tội nêu trên có tính chất, mức độ nguy hiểm rất khác nhau (hành vi thành lập, tham gia tổ chức khủng bố nguy hiểm hơn hành vi thành lập, tham gia tổ chức tài trợ khủng bố; hành vi thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố có tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn hành vi cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố) nhưng lại được quy định tại cùng một khoản (khoản 2) với cùng một khung hình phạt là không phù hợp. Ba là, quy định của khoản 2 chưa có sự phân hóa TNHS đối với từng hành vi phạm tội (ví dụ; cùng là hành vi thành lập tổ chức khủng bố nhưng sẽ có các trường hợp phạm tội với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau như tổ chức được thành lập với quy mô, số lượng người tham gia, trang bị phương tiện, vũ khí…khác nhau, trong khi đó theo quy định thì mọi trường hợp phạm tội đều áp dụng cùng một khung hình phạt). Theo đó, sẽ là khoa học hơn nếu tách ra khỏi điều luật này và xây dựng thành hai điều luật riêng quy định tội phạm đối với hai nhóm hành vi: thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố và nhóm hành vi cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố.

Bên cạnh đó, việc bổ sung hành vi phá hủy, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân vào điều luật quy định về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống khủng bố và phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế về chống khủng bố mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, các hành vi này khó phân biệt được với hành vi cướp phá tài sản là hành vi thuộc mặt khách quan của tội bạo loạn quy định tại Điều 112 BLHD năm 2015. Về ngôn từ thì khác nhau nhưng trên thực tế áp dụng pháp luật sẽ rất khó phân biệt đâu là phá hủy, làm hư hại tài sản, đâu là cướp phá tài sản. Vấn đề này cần phải đặt trong từng vụ án cụ thể và phải qua thực tiễn áp dụng mới có thể đúc rút, xác định được dấu hiệu đặc trưng, khác biệt của từng hành vi; trước mắt, trên phương diện lý luận rất khó cắt nghĩa, phân bạch được sự khác nhau.

-Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe là trường hợp người phạm tội đã bắt, giữ trái phép cán bộ, công chức hoặc người khác làm con tin để khống chế hoặc dung sức mạnh vật chất tác động vào thân thể của những người đó gây tổn hại về sức khỏe của họ như đánh đập, gây thương tích…Người phạm tội có thể dùng sức mạnh về tinh thần như dọa giết người thân nếu chống lại việc bắt, giữ; cũng có thể dùng vũ lực, sức mạnh cưỡng ép người bị hại để thực hiện hành vi bắt, giữ người. Dù thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện nào thì hành vi xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của người khác nhằm chống chính quyền nhân dân đều là hành vi xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của người khác nhằm chống chính quyền nhân dân đều là hành vi thuộc mặt khách quan của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 113 BLHS năm 2015 và người thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải chịu TNHS theo khoản 2 nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa cấu thành tội phạm này.

-Đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần là trường hợp người phạm tội dùng lời nói hoặc cử chỉ, thái độ làm cho người bị đe dọa có căn cứ cho rằng, nếu họ cứ thực hiện công vụ hoặc nghĩa vụ của công dân thì tính mạng của họ sẽ bị xâm phạm. Trong khi thực hiện hành vi đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần, người phạm tội lợi dụng tâm lý lo sợ của người bị đe dọa để ép họ thực hiện các yêu cầu khác của mình. Để đánh giá người bị đe dọa ở trạng thái tâm lý thế nào, cần phải căn cứ vào nội dung, hình thức đe dọa; thời gian, hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa đó xảy ra; tương quan giữa người phạm tội với người bị đe dọa. Người phạm tội đe dọa xâm phạm tính mạng con người hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần người bị hại thì sẽ xử lý theo khoản 3 Điều 113 BLHS năm 2015.

Những hành vi phạm tội nêu trên được thực hiện đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khan cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị coi là phạm tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và bị xử lý theo khoản 4 Điều 113 BLHS năm 2015.

Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có thể gây ra hai loại hậu quả:

-Hậu quả trực tiếp: gây chết người, thương tích, tự do thân thể hoặc tinh thần bị xâm hại.

Xem thêm: Phương Trình Cân Bằng Nhiệt Được Viết Dưới Dạng, Phương Trình Cân Bằng Nhiệt

-Hậu quả gián tiếp: thông qua việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, tự do thân thể của cán bộ, công chức hay người khác, người phạm tội có thể làm suy yếu chính quyền nhân dân. Hậu quả này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Đối tượng tác động của tội phạm này là tính mạng, sức khỏe, tinh thần của bất cứ người nào (cán bộ, công chức, công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài, người không quốc tịch) và tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế. So với Điều 84 BLHS năm 1999, Điều 113 này mở rộng khách thể bảo vệ, đối tượng tác động của tội phạm đó là tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế. Theo đó, kể từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, hành vi khủng bố tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế nhằm gây khó khan cho quan hệ quốc tế của Nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ bị truy cứu TNHS về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhần dân theo Điều 113 BLHS năm 2015 nếu thõa mãn các dấu hiệu khác nữa cấu thành tội phạm này.

Tội phạm này có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, không phải là dấu hiệu định tội mà chỉ có thể là dấu hiệu trong xem xét quyết định hình phạt.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi phạm tội.

Mặt chủ quan của tội phạm

Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, thấy trước được hậu quả của tội phạm là gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc xâm phạm đến tự do thân thể, uy hiếp tinh thần của người khác và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Mục đích của người phạm tội là chống chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân và là dấu hiệu để phân biệt tội phạm này với tội khủng bố quy định tại Điều 299 BLHS năm 2015.

Động cơ phạm tội có thể là hận thù giai cấp, phản động, cơ hội chính trị. Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Hình phạt:

Điều 113 BLHS năm 2015 quy định 4 khung hình phạt chính:

-Khung 1: Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

-Khung 2: Quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

-Khung 3: Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng của người khác hoặc đe dọa phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của người khác.

Hành vi khủng bố người nước ngoài, nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng bị xử phạt theo Điều 113 này. Nghĩa là tùy từng trường hợp, người phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc uy hiếp tinh thần người nước ngoài mà áp dụng các khung hình phạt tương ứng. Ở đây có vấn đề là Điều 113 BLHS năm 2015 bổ sung quy định TNHS đối với trường hợp phạm tội khủng bố tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế nhằm gây khó khan cho quan hệ quốc tế của Nhà nước CHXHCN Việt Nam nhưng theo Điều luật thì các khung hình phạt được quy định căn cứ vào hậu quả là vi phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc tinh thần của con người. Vậy, khủng bố tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế là những hành vi nào, áp dụng khung hình phạt nào. Nghiên cứu điều luật cho thấy, không thể có hành vi khủng bố tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế chung chung mà chỉ có hành vi khủng bố nhằm vào con người cụ thể, đó có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch; họ có thể là người làm việc cho các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế. Đồng thời, cũng không có hình phạt nào của Điều luật áp dụng đối với hành vi phạm tội khủng bố tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế. Theo đó, việc bổ sung khách thể, đối tượng tác động của tội khủng bố là tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế là cần thiết, phù hợp với yêu cầu phòng, chống khủng bố trong tình hình hiện nay; tuy nhiên các quy định như Điều 113 BLHS năm 2015 thì chưa đảm bảo tính khả thi, có thể coi đây là vấn đề nghiên cứu, bàn luận thêm về Điều luật.

-Khung 4: Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội này.

Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác;chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

d) Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Xem thêm: Cách Tính Tuổi Thai Nhi Theo Tuần, Cách Tính Tuổi Thai Chính Xác Nhất Cho Mẹ Bầu

Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Tiêu Dao

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tiểu luận