Tiểu Luận Thừa Kế Trong Tư Pháp Quốc Tế Và Thực Tiễn Giải Quyết

It looks like your browser does not have JavaScript enabled. Please turn on JavaScript and try again.

Đang xem: Tiểu luận thừa kế trong tư pháp quốc tế

*

*

Trong điều kiện hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, nhiều quan hệ thừa kế vượt ra khỏi phạm vi của quốc gia, đó là những quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Đây là một trong những chế định quan trọng của tư pháp quốc tế và cũng là một quan hệ phức tạp, gắn bó với nhiều hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, việc xác định luật áp dụng là một trong những vấn đề quan trọng trong tư pháp quốc tế Việt Nam và các nước. Tại Việt Nam, những quy định về pháp luật áp dụng cho quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài tập trung tại Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005).
Thừa kế theo luật được đặt ra trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Trong thừa kế theo luật, người được hưởng thừa kế (hàng thừa kế), điều kiện, trình tự hưởng thừa kế đều do pháp luật quy định chứ không phải do ý chí của người để lại di sản thừa kế. Nói cách khác, thừa kế theo luật là thừa kế trên cơ sở can thiệp của Nhà nước thông qua pháp luật về thừa kế. Hiện nay, để giải quyết vấn đề chọn luật áp dụng trong quan hệ thừa kế theo luật, tư pháp quốc tế các nước áp dụng 2 nguyên tắc:
– Nguyên tắc phân chia di sản thừa kế: được áp dụng phổ biến tại các nước theo hệ thống luật Anh – Mỹ (Anh, Mỹ, Úc, Achentina, Đan Mạch…) và Pháp. Để giải quyết các vấn đề thừa kế, pháp luật các nước này phân chia di sản thừa kế làm hai loại là bất động sản và động sản. Mỗi loại di sản có nguyên tắc áp dụng pháp luật giải quyết khác nhau: (i) đối với động sản, áp dụng luật nơi người để lại có quốc tịch hoặc có nơi cư trú cuối cùng; (ii) đối với bất động sản, áp dụng luật nơi có tài sản (lex rei sitae) kể cả trong trường hợp thừa kế sẽ được xác định theo luật nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản thừa kế (lex domicille).
– Nguyên tắc thống nhất di sản thừa kế: được áp dụng phổ biến tại một số nước Tây Âu như Đức, Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha… Pháp luật các nước này không phân chia di sản thừa kế thành các loại khác nhau mà thống nhất giải quyết toàn bộ di sản thừa kế theo nguyên tắc luật nhân thân của người để lại di sản thừa kế, cụ thể là Luật quốc tịch của người để lại di sản thừa kế (lex patriae). Cách giải quyết này cũng được áp dụng tại Nhật Bản, Ai Cập…
Về thừa kế theo luật, Việt Nam áp dụng nguyên tắc phân chia di sản thừa kế để giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Theo Điều 767 BLDS 2005 thì: “1. Thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết; 2. Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”. Như vậy, đối với di sản thừa kế là động sản, tư pháp quốc tế Việt Nam áp dụng nguyên tắc Luật quốc tịch. Điều này có nghĩa là luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài mà di sản để lại thừa kế là động sản là luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch trước khi chết. Pháp luật Việt Nam sẽ áp dụng đối với các quan hệ thừa kế mà công dân Việt Nam là người để lại di sản thừa kế là động sản bất kể quan hệ này xảy ra ở đâu và di sản đang hiện diện ở nước nào. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam sẽ không được áp dụng khi công dân nước ngoài để lại di sản là động sản hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam và quan hệ thừa kế xảy ra tại Việt Nam. Theo quan điểm của một số tác giả, với giải pháp này “sẽ cho phép pháp luật Việt Nam có nhiều cơ hội được áp dụng trong thực tế”<1>.
Riêng đối với thừa kế theo luật mà di sản thừa kế là bất động sản, tư pháp quốc tế Việt Nam áp dụng nguyên tắc Luật nơi có vật. Điều này có nghĩa là công dân Việt Nam để lại di sản thừa kế là bất động sản thì pháp luật Việt Nam không có cơ hội áp dụng nếu bất động sản không hiện diện ở Việt Nam và ngược lại, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng khi công dân nước ngoài để lại di sản thừa kế là bất động sản hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam. Giải pháp này phù hợp với bản chất của các quan hệ pháp luật có liên quan đến bất động sản và được quy định trong nhiều văn bản pháp luật Việt Nam và được nhiều người đồng tình.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, khác với thừa kế theo luật, thừa kế theo di chúc chính là sự chuyển dịch tài sản từ người chết sang người sống trên cơ sở ý chí của người chủ sở hữu tài sản để lại thừa kế. Trong pháp luật về thừa kế theo di chúc thì năng lực hành vi lập và hủy bỏ di chúc, hình thức di chúc là những nội dung cơ bản. Để chọn luật áp dụng cho các vấn đề trên, tư pháp quốc tế các nước trên thế giới áp dụng nhiều nguyên tắc khác nhau:
– Theo pháp luật Anh, Mỹ (những nước theo nguyên tắc phân chia di sản thừa kế): năng lực hành vi lập di chúc, hình thức di chúc đối với di sản thừa kế là động sản do luật nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản thừa kế điều chỉnh (lex domicilli); đối với di sản thừa kế là bất động sản do luật của nước nơi có tài sản điều chỉnh.
– Ở Đức và một số nước Tây Âu khác (những nước theo nguyên tắc thống nhất di sản thừa kế): (i) năng lực hành vi lập và hủy bỏ di chúc được xác định theo luật nơi cư trú cuối cùng của người lập di chúc hoặc theo luật của nước nơi lập di chúc; (ii) hình thức di chúc được coi là hợp pháp nếu nó đáp ứng được yêu cầu của một trong các hệ thống pháp luật sau đây: luật quốc tịch của người lập di chúc, luật nơi cư trú của người lập di chúc; đối với di sản thừa kế là bất động sản có thể áp dụng luật nơi có bất động sản đó. Ngoài ra, tư pháp quốc tế một số nước còn quy định nếu người lập di chúc không tuân thủ quy định về hình thức di chúc của các hệ thống pháp luật trên mà lại thỏa mãn yêu cầu đối với luật nơi lập di chúc thì di chúc đó cũng không bị coi là bất hợp pháp.
– Tại Việt Nam, việc chọn luật áp dụng để xác định năng lực hành vi lập, hủy bỏ di chúc và hình thức di chúc được quy định tại Điều 768 BLDS 2005:“1. Năng lực lập di chúc, thay đổi và hủy bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân; 2. Hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc”.
Như vậy, để giải quyết xung đột pháp luật về năng lực lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc, Việt Nam áp dụng pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân. Pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xác định năng lực chủ thể khi công dân Việt Nam lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc, định đoạt di sản thừa kế, bất kể di sản thừa kế là động sản hay bất động sản. Pháp luật Việt Nam sẽ không được áp dụng đối với việc xác định năng lực chủ thể khi công dân nước ngoài lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc định đoạt di sản thừa kế, kể cả khi hành vi này được thực hiện tại Việt Nam.
Để giải quyết xung đột pháp luật về hình thức di chúc, Việt Nam áp dụng nguyên tắc Luật của nước nơi lập di chúc. Nếu công dân Việt Nam lập di chúc ở nước ngoài phải tuân theo những quy định của pháp luật nước ngoài về hình thức di chúc; nếu công dân nước ngoài lập di chúc ở Việt Nam thì bắt buộc phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức di chúc.
Tư pháp quốc tế Việt Nam đã có một số quy phạm xung đột điều chỉnh quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Những quy phạm này đã vận dụng các nguyên tắc chọn luật của tư pháp quốc tế được quy định trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Xem thêm: Phương Trình Tiếp Tuyến Đi Qua Gốc Tọa Độ Và Điểm A (, Bài Giảng Toán 11

Như đã phân tích ở phần trên, đối với quan hệ thừa kế theo luật mà di sản thừa kế là động sản, tư pháp quốc tế Việt Nam áp dụng nguyên tắc Luật quốc tịch. Bên cạnh những ưu điểm của việc áp dụng nguyên tắc Luật quốc tịch trong trường hợp này, theo chúng tôi, có một số vấn đề sẽ phát sinh trong thực tiễn như sau:
– Đây là quy phạm xung đột của tư pháp quốc tế Việt Nam. Pháp luật Việt Nam chỉ có cơ hội áp dụng khi quan hệ thừa kế diễn ra tại Việt Nam hoặc tranh chấp quan hệ thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam. Điều này có nghĩa, khi công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài để lại di sản thừa kế là động sản hoặc vụ việc thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nước ngoài, thì pháp luật Việt Nam sẽ khó có cơ hội áp dụng vì tư pháp quốc tế nhiều nước áp dụng nguyên tắc Luật nơi cư trú để xác định luật áp dụng trong trường hợp này. Ngoại trừ một số nước đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì nguyên tắc Luật quốc tịch sẽ được áp dụng theo nội dung của các hiệp định này<2>, những trường hợp khác sẽ phải áp dụng tư pháp quốc tế của nước mà quan hệ thừa kế diễn ra hoặc nước có Tòa án giải quyết vụ việc. Với một số lượng lớn các nước áp dụng nguyên tắc Luật nơi cư trú thì pháp luật Việt Nam sẽ ít có cơ hội áp dụng đối với các quan hệ thừa kế do người Việt Nam cư trú ở nước ngoài tham gia hoặc do Tòa án nước ngoài giải quyết. Như vậy, việc áp dụng nguyên tắc Luật quốc tịch có vẻ như sẽ tạo cơ hội cho pháp luật Việt Nam được áp dụng nhiều, nhưng thực tiễn cho thấy, không phải trong trường hợp nào quy định này cũng đạt được mục đích đề ra.
– Hiện nay, nhiều người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài và không còn quốc tịch Việt Nam, nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống, cũng như công dân nước ngoài sang Việt Nam sinh sống và có tài sản tại Việt Nam ngày càng nhiều, thì việc áp dụng nguyên tắc Luật quốc tịch để xác định luật áp dụng cho quan hệ thừa kế theo luật như quy định của BLDS 2005 sẽ loại bỏ khả năng áp dụng pháp luật Việt Nam trong nhiều trường hợp, kể cả trường hợp vụ việc tranh chấp do Tòa án Việt Nam giải quyết. Rõ ràng, nếu Tòa án Việt Nam giải quyết, áp dụng nguyên tắc của tư pháp quốc tế Việt Nam, sẽ dẫn đến pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch, kể cả khi di sản thừa kế đó đang hiện diện tại Việt Nam. Như vậy, trong trường hợp này, quy phạm xung đột của Việt Nam đã vô tình loại bỏ cơ hội áp dụng pháp luật Việt Nam.
– Trong trường hợp người để lại thừa kế có nhiều quốc tịch thì áp dụng nguyên tắc Luật quốc tịch sẽ khó khăn trong việc xác định luật nước nào sẽ được áp dụng. Có quan điểm cho rằng, trong trường hợp này có thể vận dụng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 760 BLDS 2005: “Pháp luật áp dụng đối với người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự; nếu người đó không cư trú tại một trong các nước mà người đó có quốc tịch thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân”<3>. Tuy nhiên, đây cũng là một quy phạm xung đột của tư pháp quốc tế Việt Nam và cũng chỉ áp dụng được khi trong số các quốc tịch của người để lại di sản thừa kế có một quốc tịch là Việt Nam. Như vậy, trong trường hợp người nước ngoài có nhiều quốc tịch nhưng không có quốc tịch Việt Nam, cư trú và có di sản thừa kế là động sản tại Việt Nam thì pháp luật Việt Nam cũng khó có cơ hội được áp dụng.
Những phân tích trên cho thấy, việc áp dụng nguyên tắc Luật quốc tịch như quy định của BLDS 2005 để xác định luật áp dụng cho quan hệ thừa kế theo luật có di sản thừa kế là động sản sẽ dẫn đến khả năng loại bỏ việc áp dụng pháp luật Việt Nam trong nhiều trường hợp, kể cả khi Tòa án Việt Nam giải quyết vụ việc hoặc di sản đang hiện diện ở Việt Nam. Khoản 1 Điều 767 BLDS 2005 quy định “phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết” nghĩa là không có trường hợp ngoại lệ. Điều này rõ ràng không đảm bảo được mục đích điều chỉnh của quy phạm pháp luật trong nhiều trường hợp. Vì vậy, nên sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 767 BLDS 2005 theo hướng linh hoạt hơn, cho phép áp dụng kết hợp cả nguyên tắc Luật quốc tịch và Luật nơi cư trú để xác định luật áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể. Việc áp dụng nguyên tắc nào sẽ do cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc quyết định.
Để xác định năng lực lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc,tư pháp quốc tế Việt Nam áp dụng nguyên tắc pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân. Việc quy định như trên sẽ làm phát sinh một số vấn đề trong thực tiễn áp dụng như sau:
(i) Khi công dân nước ngoài lập di chúc tại Việt Nam, năng lực lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc của họ sẽ được xác định theo pháp luật mà người đó có quốc tịch. Vậy trong trường hợp người nước ngoài có sự thay đổi quốc tịch thì năng lực chủ thể sẽ được xác định theo luật nước nào? Khoản 1 Điều 768 BLDS 2005 chưa quy định rõ điều này. Theo chúng tôi, trong trường hợp này pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người nước ngoài có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc; nếu người nước ngoài có nhiều quốc tịch thì áp dụng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 760 BLDS 2005 như đã phân tích ở phần trên.
(ii) Nếu theo pháp luật mà người nước ngoài mang quốc tịch thì họ có năng lực chủ thể lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc, nhưng theo pháp luật Việt Nam thì họ chưa có đủ điều kiện về năng lực chủ thể thì giải quyết như thế nào? Chẳng hạn, đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi theo pháp luật một số nước là đã đủ năng lực chủ thể để lập di chúc, nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 647 BLDS 2005 của Việt Nam thì họ chỉ được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Khoản 1 Điều 768 BLDS 2005 quy định: “…phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân…” nghĩa là không có trường hợp ngoại lệ. Năng lực chủ thể trong quan hệ thừa kế theo di chúc là một phần của năng lực chủ thể trong lĩnh vực dân sự. Như vậy, năng lực của cá nhân lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc cũng chính là năng lực hành vi dân sự. Theo khoản 2 Điều 762 BLDS 2005 thì người nước ngoài khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực hành vi dân sự được xác định theo pháp luật Việt Nam. Vì vậy, chúng ta có thể vận dụng nguyên tắc này để giải quyết vấn đề xác định năng lực chủ thể lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, khoản 1 Điều 768 BLDS 2005 nên quy định: Khi người nước ngoài thực hiện hành vi lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc tại Việt Nam thì năng lực hành vi ngoài việc tuân theo pháp luật của nước mà người đó là công dân còn phải tuân theo pháp luật Việt Nam. Như vậy, nếu theo quy định của pháp luật Việt Nam, người nước ngoài chưa có năng lực hành vi lập, thay đổi và hủy bỏ di chúc thì di chúc do người đó lập tại Việt Nam sẽ không có giá trị pháp lý.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 768 BLDS 2005, luật áp dụng để xác định tính hợp pháp của hình thức di chúc là luật nơi lập di chúc. Như vậy, nếu công dân Việt Nam lập di chúc ở nước ngoài thì phải tuân theo pháp luật nước ngoài về hình thức di chúc và nếu công dân nước ngoài lập di chúc ở Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Việt Nam về hình thức di chúc và dĩ nhiên, không có trường hợp ngoại lệ. Việc quy định một cách cứng nhắc như trên chưa phải là giải pháp tối ưu. Bởi lẽ, trên thực tế sẽ phát sinh ra một số vấn đề sau đây:
(i) Khi lập di chúc, người để lại di sản thừa kế ngoài việc bị tác động bởi pháp luật của nước nơi lập di chúc, còn chịu sự tác động rất lớn của pháp luật nơi người đó đang cư trú và pháp luật của nước nơi có di sản. Chính vì vậy, sẽ có trường hợp trên thực tế di chúc do người nước ngoài lập tại Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức nhưng không phù hợp với pháp luật của nước nơi người đó cư trú hoặc có di sản. Vì vậy, sẽ hợp lý hơn nếu quy định hình thức của di chúc là hợp pháp nếu phù hợp với pháp luật của nước nơi lập di chúc hoặc phù hợp với pháp luật của nước mà người để lại di sản có nơi cư trú hoặc phù hợp với pháp luật của nước có di sản thừa kế. Giải pháp này được quy định trong Công ước La Hay 1961 về giải quyết xung đột pháp luật trong lĩnh vực hình thức di chúc, Luật về Tư pháp quốc tế của Ý năm 1995.
(ii) Có rất nhiều trường hợp, di chúc do người nước ngoài lập ở nước ngoài không phù hợp với pháp luật của nước nơi lập di chúc về hình thức, nhưng lại phù hợp với pháp luật Việt Nam về hình thức, cũng như những di chúc do người Việt Nam lập ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật nước đó về hình thức nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Vậy cách thức giải quyết sẽ như thế nào nếu trong cả hai trường hợp, di sản nằm tại Việt Nam? Chúng ta có thừa nhận hiệu lực pháp lý của di chúc không? Nếu không thừa nhận thì giải quyết theo quy định nào của pháp luật?
Theo quy định tại Điều 770 BLDS 2005 thì: “Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình thức hợp đồng giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam”. Vì vậy, có thể vận dụng cách điều chỉnh này đối với hình thức di chúc. Theo đó, khoản 2 Điều 768 cần bổ sung thêm quy định: Trong trường hợp di chúc lập ở nước ngoài không phù hợp với quy định của pháp luật nước đó về hình thức nhưng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức, thì hình thức di chúc này sẽ được công nhận tại Việt Nam. Giải pháp này được thừa nhận trong tư pháp quốc tế nhiều nước và cũng được nhiều người Việt Nam ủng hộ<4>.
Như vậy, từ các phân tích ở trên, khoản 2 Điều 768 BLDS 2005 cần điều chỉnh theo hướng: Hình thức di chúc được xem là hợp pháp nếu phù hợp với pháp luật của nước nơi lập di chúc hoặc phù hợp với pháp luật của nước mà người để lại di sản có nơi cư trú hoặc phù hợp với pháp luật của nước có di sản thừa kế. Khoản 2 Điều 768 BLDS 2005 cũng nên bổ sung thêm quy định: Trong trường hợp di chúc lập ở nước ngoài không phù hợp với quy định của pháp luật nước đó về hình thức nhưng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức, thì hình thức di chúc này sẽ được công nhận tại Việt Nam. Quy định như vậy sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài diễn ra tại Việt Nam hoặc những tranh chấp quan hệ thừa kế do Tòa án Việt Nam giải quyết.

Xem thêm: Phương Trình Đốt Cháy Chất Béo Có Lời Giải, Vídụ 1 Đốt Cháy Hoàn Toàn M Gam Chấ

<1> Xem TS. Đỗ Văn Đại, TS. Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 627.
<2>Xem Điều 39 Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Liên bang Nga; Điều 34 Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Mông Cổ; Điều 36 Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và CHDCND Lào, …

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tiểu luận