Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về An Ninh Quốc Gia, Quản Lý Nhà Nước Về Quốc Phòng

(lingocard.vn) – Bài viết nghiên cứu, làm rõ những cơ sở lý luận và nội dung quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh quốc gia đối với ngân hàng thương mại cổ phần, trên cơ sở đó, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trên lĩnh vực kinh tế.

Đang xem: Tiểu luận quản lý nhà nước về an ninh quốc gia

*

1.Ngân hàng thương mại hình thành, tồn tại và phát triển gắn liền với sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Tính đến nay, hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam gồm 4 ngân hàng thương mại nhà nước, 31 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 2 ngân hàng liên doanh1. Hoạt động ngân hàng được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, gồm: nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Quản lý nhà nước (QLNN) về an ninh quốc gia (ANQG) đối với NHTMCP là một trong những nội dung quan trọng của QLNN về ANQG trên lĩnh vực kinh tế. Thực tế cho thấy, hoạt động của NHTMCP đã và đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng của các loại tội phạm kinh tế, như: thâu tóm, lũng đoạn, sở hữu chéo, nợ xấu, rửa tiền,… Vì vậy, việc tiến hành QLNN về ANQG đối với NHTMCP là tất yếu, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với cách tiếp cận trên có thể hiểu: QLNN về ANQG đối với NHTMCP là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên lĩnh vực ANQG, sử dụng quyền lực được trao tiến hành các hoạt động quản lý nhằm tác động, điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi của con người có liên quan đến ANQG trong hoạt động của NHTMCP, qua đó phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các cá nhân, tổ chức gây phương hại đến ANQG và an ninh, an toàn của các ngân hàng này.

Tại khoản 1 Điều 30 Luật ANQG năm 2004 quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia”; cùng với đó, tại khoản 2 cũng quy định: “Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh quốc gia”. Điều 15 Luật Công an nhân dân năm 2018 cũng quy định rõ: “Công an nhân dân chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…”.

2. Với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ là chủ thể có vai trò thống nhất QLNN về ANQG trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có QLNN về ANQG trên lĩnh vực tài chính, tiền tệ nói chung và đối với NHTMCP nói riêng. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện thống nhất QLNN về ANQG trên phạm vi cả nước và đối với các lĩnh vực, hoạt động xã hội, trong đó có QLNN về ANQG đối với NHTMCP. Theo đó, ở cấp bộ giao cho Cục An ninh kinh tế, cấp tỉnh giao cho phòng An ninh kinh tế chủ trì thực hiện QLNN về ANQG đối với NHTMCP.

Trong tổ chức hoạt động QLNN về ANQG đối với NHTMCP, lực lượng Công an thường xuyên phải phối hợp chặt chẽ với các chủ thể khác, như: các cơ quan, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan chuyên môn…

Về đối tượng QLNN về ANQG đối với NHTMCP là các cá nhân, tổ chức có hành vi, hoạt động liên quan đến ANQG chịu sự tác động, điều chỉnh của chủ thể. Cụ thể là đội ngũ lãnh đạo và nhân viên làm việc trong NHTMCP có hoạt động liên quan đến ANQG (bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài); hội sở, văn phòng đại diện, chi nhánh, phòng giao dịch của các NHTMCP ở trong và ngoài nước.

QLNN về ANQG đối với NHTMCP gồm nhiều nội dung, cụ thể: quản lý về cơ cấu tổ chức và điều kiện hoạt động của NHTMCP; quản lý về nhân sự hoạt động trong các NHTMCP bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài; quản lý về hoạt động của ngân hàng có liên quan đến ANQG.

3. Căn cứ vào nội dung QLNN về ANQG được quy định ở Luật ANQG năm 2004 và trên cơ sở quy định về chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể có thẩm quyền, hoạt động quản lý đối với NHTMCP bao gồm những nội dung cơ bản sau:

Một là, tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật trong QLNN về ANQG đối với NHTMCP.

Hoạt động phối hợp xây dựng văn bản gồm: xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về ANQG liên quan đến hoạt động NHTMCP; tham gia ý kiến xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của NHTMCP có liên quan đến ANQG.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, lực lượng Công an, trực tiếp là lực lượng An ninh kinh tế và các lực lượng chức năng liên quan quản lý địa bàn phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật vào thực tiễn QLNN về ANQG đối với NHTMCP, như: tham gia tổ chức hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quản lý; tổ chức hướng dẫn các biện pháp công tác nghiệp vụ; tham mưu tổ chức tập huấn công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh vi phạm pháp luật,…

Hai là, thu thập thông tin, tài liệu phục vụ QLNN về ANQG đối với NHTMCP.

Việc thu thập thông tin, tài liệu chủ thể quản lý tập trung vào ba nhóm thông tin cơ bản là chủ thể quản lý, đối tượng quản lý và môi trường quản lý. Để thu thập thông tin, tài liệu, các chủ thể có thể sử dụng các biện pháp công khai và các biện pháp nghiệp vụ khác nhau để đạt hiệu quả, nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ, thống nhất và sự hướng dẫn chi tiết, kịp thời.

Xem thêm: Diện Tích Lưu Vực Sông Hồng Có Diện Tích Lưu Vực Lớn Nhất, Lưu Vực Sông Hồng

Ba là, QLNN về bảo vệ bí mật nhà nước tại các NHTMCP.

Đặc thù của lĩnh vực ngân hàng là nơi tập trung rất nhiều bí mật nhà nước, nếu bị lộ hoặc mất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hoạt động của ngân hàng. Bí mật nhà nước trong các NHTMCP rất đa dạng, không chỉ liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn của ngành Ngân hàng mà còn những thông tin trao đổi, phối hợp trong phòng, chống tội phạm với lực lượng Công an.

Nội dung QLNN về bảo vệ bí mật nhà nước tại các NHTMCP gồm: (1) Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; (2) Hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế sử dụng, bảo quản tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong ngân hàng; (3) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Bốn là, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn công an các địa phương thực hiện công tác QLNN về ANQG đối với NHTMCP.

Đặc thù của hoạt động ngân hàng là trải rộng trên phạm vi cả nước, do đó, công tác QLNN về ANQG đối với các ngân hàng này cần phải có sự phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng giữa lực lượng An ninh kinh tế cấp bộ và ở địa phương. Theo đó, lực lượng An ninh kinh tế cấp bộ chịu trách nhiệm chung trong nắm tình hình hoạt động của ngân hàng, trực tiếp QLNN về ANQG đối với hoạt động tại Hội sở chính. Lực lượng An ninh kinh tế cấp tỉnh chịu trách nhiệm nắm tình hình hoạt động của ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh, trực tiếp QLNN về ANQG đối với hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn tập trung vào cách thức thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác QLNN, cách thức nhận diện, đánh giá những nguy cơ mất an ninh, an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Năm là, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự đối với NHTMCP.

Công tác thanh tra, kiểm tra về ANTT đối với NHTMCP góp phần phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác QLNN đối với ngân hàng để kiến nghị biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động ngân hàng; phát hiện và kiến nghị khắc phục những nguy cơ gây mất an ninh, đe dọa gây mất an ninh trong hoạt động ngân hàng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân viên ngân hàng.

Theo đó, công tác này cần tập trung vào những nội dung sau: việc chấp hành các quy định về hoạt động ngân hàng như huy động vốn, cấp tín dụng, quản lý tiền tệ, đầu tư kinh doanh…; việc chấp hành các quy định về quản lý người nước ngoài, bảo vệ bí mật nhà nước, phòng, chống rửa tiền; việc chấp hành các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Để thực hiện tốt hoạt động trên, các chủ thể có thẩm quyền cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, quá trình tiến hành QLNN về ANQG đối với NHTMCP, ngoài việc sử dụng những phương pháp quản lý mang tính nghiệp vụ, chủ thể quản lý cần tiến hành vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, như: giáo dục thuyết phục; hành chính; tổ chức và kinh tế.

Chú thích:1. Tác giả tổng hợp số liệu từ nguồn: http//www.sbv.gov.vn.Tài liệu tham khảo:1. Luật An ninh quốc gia năm 2004.2. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Xem thêm: Khóa Học Chuyên Viên Thiết Kế Quảng Cáo Tại Hà Nội, Trung Tâm Đào Tạo Thiết Kế Đồ Họa Quảng Cáo

3. Luật Công an nhân dân năm 2018.

Đào Hồng SơnCông an thành phố Hải Phòng

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Tiểu luận