Ghi Nhớ Văn Nghị Luận – Đặc Điểm Của Văn Bản Nghị Luận

1. Văn nghị luận là một trong những kiểu văn bản quan trọng trong đời sống xã hội và con người. Viết văn nghị luận nhằm rèn luyện tư duy, năng lực biểu đạt những quan niệm, những tư tưởng sâu sắc trong đời sống. Trước tác của các nhà tư tưởng, nhà lí luận, nhà triết học, chính trị đều viết dưới hình thức nghị luận. Có thể nói văn nghị luận là cơ sở để lập luận các tư tưởng sâu sắc. Có năng lực nghị luận là một điều kiện cơ bản để con người thành đạt trong cuộc sống.

Đang xem: Ghi nhớ văn nghị luận

2. Văn nghị luận thực chất là văn bản thuyết lí, văn bản nói lí lẽ, nhằm phát biểu các nhận định, tư tưởng, suy nghĩ, thái độ trước một vấn đề đặt ra. Do đó, muốn làm văn nghị luận, người ta phải có khái niệm về một vấn đề, có quan điểm, chủ kiến, biết vận dụng khái niệm ; đồng thời biết tư duy lô gích, biết vận dụng các thao tác phân tích, tổng hợp, quy nạp, diễn dịch, so sánh, suy lí… nói chung, biết tư duy trừu tượng.

3. Đây là một kiểu văn bản tương đối khó đối với học sinh nói chung, nhất là đối với học sinh THCS. Những người quen tư duy cụ thể, cảm tính, ít năng lực suy luận sẽ cảm thấy khó. Những người ít có bản lĩnh, ít có chính kiến đối với mọi việc cũng sẽ cảm thấy khó. Nhưng chính vì vậy mà văn nghị luận sẽ rèn luyện cho học sinh kĩ năng lí luận và tinh thần tự chủ trước cuộc sống.

4. Về văn nghị luận ở cấp THCS, chương trình và sách giáo khoa chia làm hai cấp độ, tránh nhồi nhét, sẽ khó cho việc học của học sinh lớp 7. Ở lớp 7 thuộc yêu cầu cấp độ 1 : giới thiệu những thao tác chung nhất. Các em cần biết văn nghị luận có luận đề, có luận điểm, có lí lẽ, có dẫn chứng, có cách lập luận để nối các luận điểm nhỏ cùng luận đề nhằm giải quyết một vấn đề nào đó trong cuộc sống hoặc trong văn học. Phương pháp ở đây không phải vội nắm bắt khái niệm, thuộc định nghĩa mà là nêu ra các ví dụ để học sinh cảm nhận rồi hiểu lí thuyết.

*CÁC DẠNG BÀI TẬP

I – TÌM HlỂU CHUNG VỀ VĂN NGHỊ LUẬN

1. Ghi nhớ

Trong đời sống, ta thường gặp văn nghị luận dưới dạng các ý kiến nêu ra trong cuộc họp, các bài xã luận, bình luận, bài phát biểu ý kiến trên báo chí,…Văn nghị luận là văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó. Muốn thế, văn nghị luận phải có luận điểm rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục.Những tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận phải hướng tới giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống thì mới có ý nghĩa.

2. Bài tập

Bài tập 1. Đọc văn bản sau :

“Học sinh chào mỗi khi gặp thầy giáo, cô giáo là một hành vi văn hoá bình thường, cũng giống như lúc ta chào bất kì một ai đó. Nhưng rõ ràng, đứng trước thầy giáo, cô giáo, ta chào là để biểu thị một thái độ kính trọng, lễ phép với một người trên, xét ở mọi góc độ (tuổi tác, học vấn, tư cách,…). Chào thầy giáo, cô giáo còn là một biểu hiện tiếp nối truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc “tôn sư trọng đạo”. Chào thầy dạy ta, dĩ nhiên là ở nhiều nơi ta gặp, nhưng có tình huống chào thầy đặc biệt : đó là chào thầy trước khi vào tiết học. Hầu như ở mọi lớp học hay giảng đường trên khắp thế giới, khi thầy giáo, cô giáo bước vào lớp, mọi thành viên trong lớp đều chào bằng hình thức đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng, hướng về phía thầy. Người thầy cũng từ tốn đáp lại bằng cách đứng nghiêm trên bục, mắt hướng về học sinh, khẽ nghiêng mình hoặc gật đầu, nở một nụ cười, rồi vẫy tay mời tất cả ngồi xuống (hoặc nói “Chào tất cả các em, mời các em ngồi”). Không khí lúc bấy giờ thật tĩnh lặng, trang nghiêm, xúc động. Dù trước đó, mọi người có ồn ào, bận bịu về chuyện riêng đến mấy, cũng đều nghiêm túc thu xếp lại, để bắt tay vào giờ học. Ấy vậy mà nhiều học sinh bây giờ hình như quên hẳn điều đó. Hoặc có thể họ tự cho rằng đấy là một thủ tục hình thức, không cần hoặc làm chiếu lệ cũng được. Có trường hợp, khi thầy đã vào lớp, họ đang bận việc gì đấy nên ngại đứng dậy, cứ ngồi ì hoặc nếu không bận thì họ cứ thản nhiên nói chuyện, thản nhiên nhìn thầy, liếc xung quanh, mặc ai chào thì chào. Cũng có khi học sinh không đứng hẳn lên, chỉ nhổm người lấy lệ. Còn có học sinh ngồi phía sau yên trí đã có bạn đứng che phía trước, nên cứ ung dung ngồi, cho rằng thầy, cô không nhìn thấy. Rất tiếc cho các bạn là các thầy cô giáo thường rất nhạy cảm, cho nên những trường hợp như thế cũng khó qua được cảm nhận của người thầy… Các bạn đừng cho việc này là vặt vãnh nhé. Người Việt Nam có câu : “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Đó là cách ứng xử văn hoá của bất kì một cuộc giao tiếp nào, chứ không chỉ nói ở nơi học đường. Trong các lớp ở mọi trường, thường có treo khẩu hiệu : “Tiến học lễ, hậu học văn”. Chào thầy giáo, cô giáo là một biểu hiện của khẩu hiệu treo trước mặt toàn lớp đấy ! Về chuyện chào, người ta kể rằng : Có một lần A. Đuy-ma – nhà văn người Pháp nổi tiếng – đang mải mê trên bàn viết, thì mấy người bạn của ông đến chơi. Ông định đứng dậy chào, thì các bạn ông (vì nể ông) liền xua tay tỏ vẻ thông cảm : “Ô, anh cứ viết tiếp đi, kệ chúng tôi, đứng dậy làm gì !”. A. Đuy-ma liền trả lời, giọng dứt khoát : “Các vị sao lại thế ? Không phải tôi đứng lên, mà nền văn hoá của tôi đứng lên”.”

(Theo Phạm Văn Tinh, báo Khuyến học, số 46)

a. Phương thức biểu đạt chính của vãn bản trên ?

A – Tự sự

B – Miêu tả

C – Biểu cảm

D – Nghị luận

b. Tác giả đề xuất ý kiến gì ? Có gọi là luận đề được không (nếu hiểu luận đề là vấn đề cần bàn luận) ? Nêu luận đề trong một câu văn ngắn gọn.

c. Để thuyết phục người đọc, tác giả đã nêu ra hệ thống ý như thế nào ? Có thể gọi đó là hệ thống luận điểm được không ?

d. Để phục vụ cho các luận điểm đã nêu trên, người viết đã có nhiều lí lẽ và dẫn chứng – đó là các luận cứ. Chỉ ra các lí lẽ, dẫn chứng ấy.

e. Vấn đề văn bản trên nêu ra có nhằm trúng một vấn đề có trong thực tế không ? Em có tán thành ý kiến của tác giả không ? Vì sao ? Hãy đặt đầu đề cho văn bản.

g. Có thể tách văn bản thành các phần như thế nào ? Nêu lí do.

Bài tập 2. Sưu tầm một đoạn văn nghị luận em cho là hay và viết vào vở. Cho biết vì sao em thích.

Bài tập 3. Cho các văn bản sau :

Văn bản 1:

 

Thích buộc nhiều thắt lưng

Cả đời không đi dép

Chổi múa dạo một vòng

Rác trong nhà biến sạch.

(Phạm Hổ)

 

Văn bản 2 : Trà hoa nhài được nhiều người ưa dùng. Một gói trà hoa nhài biếu bố mẹ, người thân ; nếu tự tay bạn ướp lấy thì càng có ý nghĩa. Bạn thử làm nhé. Lấy khoảng 300 gam hoa nhài tươi, phơi dưới trời nắng to cho khô. Lấy một nồi nhôm rửa sạch và lau thật khô. Bỏ hoa nhài vào và đặt trên bếp lò than vừa tắt, lợi dụng phần nhiệt còn lại của bếp để sấy khô. Đồng thời bạn lấy một ki-lô-gam trà, đổ lên hoa nhài, rồi đậy kín vung lại, để một đêm. Sáng hôm sau, bạn mở vung, trộn trà và hoa đã sấy khô cho thật đều, rồi đổ vào hộp đựng trà. Trà ướp hoa nhài đã hoàn thành. Với cách này, mùi vị và chất lượng của trà rất bảo đảm mà lại đơn giản, dễ làm.

Văn bản 3 :

Cún Hoa nghỉ học đã mấy hôm rồi. Thầy giáo nói Cún Hoa bị bệnh đường tiêu hoá.

Hôm nay hết giờ học, Cún Mực xin phép mẹ sang nhà Cún Hoa thăm bạn. Vừa bước chân vào, Cún Mực đã nghe mẹ Cún Hoa than phiền :

– Cún Hoa không nghe lời cô gì cả, có bệnh mà không chịu uống thuốc, cứ kêu đắng. Cháu khuyên nó giúp cô với.

Cún Mực liền lôi từ trong chiếc làn nhỏ mang theo một nải chuối tiêu và một túi lê, rồi bảo :

– Thế những “thuốc” này cậu có chịu uống không ?

Cún Hoa ngạc nhiên :

– Sao hoa quả cậu lại gọi là thuốc ?

Cún Mực nhẹ nhàng giải thích :

– Chuối tiêu cũng rất tốt cho đường ruột. Còn ăn lê có thể giảm nóng trong người. Đó chính là những vị thuốc đấy. Mẹ tớ bảo mang sang để cậu ăn cho chóng khỏi bệnh.

Cún Hoa khoái quá, cười toe toét:

– Cám ơn cậu, thuốc này thì tớ thích lắm !

(Theo Hoạ mi, số 1, 2003)

a) Trong ba văn bản trên, văn bản nào là nghị luận ? Nêu lí do.

b) Nêu nội dung của mỗi văn bản trong một nhan đề ngắn.

c) Đối tượng diễn tả của ba văn bản này là gì ?

d) Nêu hiểu biết của em về yêu cầu của một văn bản nghị luận.

Bài tập 4.

a) Đoạn trích văn bản sau đây có phải là nghị luận không ? Nêu lí do khẳng định.

“Chính phủ đặt nhiệm vụ năm 2003 là năm tăng cường kỉ cương, phép nước. Nhà nước ta, chế độ ta đã trải qua hơn nửa thế kỉ. Nhà nước ấy, chế độ ấy đã biết dùng “phép nước”, dùng “kỉ cương” để huy động toàn dân đánh giặc, xây dựng hậu phương, chiến đấu nơi tiền tuyến, làm kinh tế, làm văn hoá, khoa học, ngoại giao,… Xét về thành tựu, và chỉ nói riêng về kỉ cương, phép nước, thành tựu là rất đáng tự hào…

… Trên và dưới, lãnh đạo và nhân dân, Đảng và đoàn thể, công luận báo chí… đều thống nhất hành động, bảo vệ kỉ cương ! Nhà nước ta, phép nước của ta, chế độ của ta là do máu xương công sức hàng báo nhiêu thế hệ xây nên. Vì thế, bảo vệ nó, chăm sóc nó, tuân thủ nó,… không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là lương tâm nữa ! Năm 2003 – năm kỉ cương, phép nước và năm chống thất thoát trong xây dựng cơ bản – chỉ nội làm tốt hai việc ấy, đủ phấn chấn lòng người”. 

(Theo báo Sức khỏe và Đời sống)

b) Đặt đầu đề cho văn bản trích trên.

c) Thử tìm trong văn bản trên có bao nhiêu luận điểm (nếu biết đây là phần trích mở đầu và kết thúc văn bản).

II- ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN BẢN NGHỊ LUẬN

1. Ghi nhớ

Mỗi bài văn nghị luận đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận. Trong một bài văn có thể có một luận điểm chính và các luận điểm phụ.Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định (hay phủ định), được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu, nhất quán. Luận điểm là linh hồn của bài viết, nó thống nhất các đoạn văn thành một khối. Luận điểm phải đúng đắn, chân thật, đáp ứng nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục.Luận cứ là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Luận cứ phải chân thật, đúng đắn, tiêu biểu thì mới khiến cho luận điểm có sức thuyết phục.Lập luận là cách nêu luận cứ để dẫn đến luận điểm. Lập luận phải chặt chẽ, hợp lí thì bài văn mới có sức thuyết phục.

2. Bài tập

Bài tập 5. Cho văn bản sau :

‘”Một thời gian dài trong quá khứ, việc hái lộc đầu xuân đã là một mĩ tục. Với ý nghĩa là hái lộc Thánh ban cho – công việc được tiến hành một cách trang trọng, nhẹ nhàng. Khi còn nhỏ, hồi trên dưới mười tuổi, chúng ta đã từng theo cha, mẹ đi lễ ở đình, ở đền làng mình từ sáng mùng một Tết. Các cụ dâng lễ, khấn vái thần thánh, cầu mong một năm mới tốt lành. Sau đó, ra vườn cây quanh đền, nhẹ nhàng bẻ một cành nhỏ gọi là “hái lộc”. Cành lá có ý nghĩa thiêng liêng này được trân trọng đem về nhà và cắm vào lọ lộc bình trên bàn thờ tổ tiên. Việc hái lộc thường dành riêng cho các bậc phụ lão, các bậc trung niên, những người dâng lễ. Vì vậy, không có cảnh tàn phá cây cối. Những năm gần đây, ta thường thấy thanh niên đi chơi xuân ra sức bẻ cành, tưởng rằng cành càng to thì lộc càng lớn. Họ cầm cành cây phe phẩy, quăng quật chán chê, rồi vứt bừa bãi trên đường phố. Việc hái lộc đã trở thành một hành động xấu, tàn phá cây cối, làm mất mĩ quan, huỷ hoại môi trường. Việc hái lộc ngày xuân không còn ý nghĩa đẹp đẽ như thời trước nữa. Ta nên bỏ tục hái lộc, để vừa giữ gìn cây xanh, cho môi trường trong sạch, vừa xây dựng phong cách đẹp của con người mới. Thay vào đó, ta nên tăng cường trồng thêm cây xanh… để tạo “lộc” cho mình. Phương Đông ta có câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây”. Câu này, Quản Trọng (còn gọi là Quản Di Ngô) đã nêu trong kế sách :

 

“Vì lợi ích một năm, không gì bằng trồng lúa

Vì lợi ích mười năm, không gì bằng trồng cây

Vì lợi ích trăm năm, không gì bằng trồng người”.

 

Bác Hồ của chúng ta đã tiếp thu tinh hoa của cổ nhân, dạy nhân dân ta bài học ấy và Người đã phát động “Tết trồng cây”, còn duy trì mãi tới ngày nay. Phương Tây lại có câu : “Người nào trồng được một cây là đã không sống vô ích” cũng có cùng nội dung ấy. Ta nên thay đổi tập tục bẻ cành hái lộc bằng trồng cây gây lộc, như vậy thật hợp với hoàn cảnh mới”.”

(Theo Đào Văn Phái, báo Hà Nội mới, số 29, tháng 1-2003)

a) Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

A – Biểu cảm

B – Nghị luận

C – Tự sự

D – Miêu tả

b) Tìm bố cục của văn bản trên. Nêu tiêu đề của các đoạn.

c) Đặt đầu đề cho văn bản. Đầu đề ấy có gọi là luận đề được không ?

d) Toàn văn bản có bao nhiêu luận điểm ? Mỗi luận điểm có các luận cứ cụ thể nào ?

Bài tập 6. Cho đoạn văn nghị luận sau :

“…Ngay từ cuối thế kỉ XIX, người ta đã sớm tưởng rằng với sự kì diệu của khoa học, con người sẽ biết được mọi thứ và sẽ trở thành chủ nhân ông thực sự của toàn vũ trụ. Một kỉ nguyên hoàn toàn mới của công nghiệp đã ra đời dựa trên các phát minh khoa học : động cơ đốt trong, đường sắt, điện. Nhưng những trái bom nguyên tử rơi xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki năm 1945 đã đánh dấu một cột mốc đen tối đối với chủ nghĩa lạc quan đó. Chúng ta đã thực sự trở thành chủ nhân ông của hành tinh, nhưng là chủ nhán ông của sự tàn phá – sử dụng các hạt của thế giới vi mô, chúng ta đã tạo được ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng thấy. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một xu thế chống đối lại khoa học. Xu thế này kết tội rằng : chúng ta đang lao xuống vực thẳm trong một tương lai chỉ toàn lặp lại những vấn nạn cố hữu của bệnh tật, đói nghèo và chiến tranh. Việc đốt nóng bầu khí quyển, vũ khí hoá học, nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, các loại bệnh dịch, AIDS… tất cả đều là sản phẩm song hành của khoa học trên con đường phát triển.”

(Theo Phạm Việt Hưng, Đi tìm một nền văn minh đích thực, báo Văn nghệ, số 44, 2002)

a) Chỉ ra câu chốt của đoạn văn nghị luận trên. Nêu gọn nội dung câu chốt. Đó có phải là một luận điểm không ?

b) Để làm rõ luận điểm trên, đoạn văn có bao nhiêu luận cứ ? Nhận xét về các luận cứ.

Xem thêm: Tiểu Luận Giữ Gìn Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc Trong Nền Kinh Tế Mở

c) Lập luận trong đoạn theo hướng nào ? Có thuyết phục bạn đọc không ? Em có thấy thú vị không ? Vì sao ?

Bài tập 7. Viết đoạn văn nghị luận (từ 12 – 15 câu) bàn về luận đề : Nói chuyện riêng trong giờ học vừa vi phạm nội quy nhà trường, vừa thể hiện hành vi thiếu văn hoá (dự kiến về các luận điểm em định sử dụng trong đoạn).

III – ĐỀ VĂN NGHỊ LUẬN VÀ VIỆC LẬP Ý CHO BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

1. Ghi nhớ

Đề bài văn nghị luận bao giờ cũng nêu ra một vấn đề để bàn bạc và đòi hỏi người viết bày tỏ ý kiến của mình đối với vấn đề đó. Tính chất của đề như ngợi ca, phân tích, khuyên nhủ, phản bác,… đòi hỏi bài làm phải vận dụng các phương pháp cho phù hợp.Yêu cầu của việc tìm hiểu đề là: xác định đúng vấn đề, phạm vi, tính chất của bài văn nghị luận để làm bài khỏi sai lệch.Lập ý cho bài văn nghị luận là xác lập các vấn đề để cụ thể hoá luận điểm, tìm luận cứ và tìm cách lập luận cho bài văn.

2. Bài tập

Bài tập 8. Cho đề văn sau :

Giải thích câu tục ngữ : “Thất bại là mẹ thành công”.

Yêu cầu : Tìm hiểu đề và lập ý cho đề văn trên.

Bài tập 9. Có bốn đề văn sau, hãy nhận xét cách diễn đạt của đề. Em thích kiểu diễn đạt nào nhất ?

Đề 1 : Nghĩ về câu tục ngữ : “Người ta là hoa đất”.

Đề 2 : Chứng minh cho nhận xét sau đây : “Qua ca dao, tục ngữ, nhân dân ta bộc lộ tình cảm và trí tuệ của người lao động”.

Đề 3 : Một bạn em ở xa nói với em rằng câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” khó hiểu quá. Em hãy viết bức thư giải thích cho bạn em rõ.

Đề 4 : Nói dối có hại.

Bài tập 10. Một bạn học sinh dự kiến tìm các luận điểm cho đề văn : “Tiếng Việt giàu đẹp” như sau :

1. Tiếng Việt dễ học.

2. Tiếng Việt dùng chữ quốc ngữ rất dễ viết.

3. Tiếng Việt giọng điệu nhiều cung bậc.

Em có đồng ý không ? Tại sao ?

Bài tập 11. Viết một bài nghị luận với nội dung “ích lợi của việc đọc sách” với các luận điểm dự kiến như sau :

– Đọc sách giúp ta nhận thức rõ về thế giới.

– Đọc sách giúp ta nhận thức được quá khứ, tương lai.

– Đọc sách giúp ta thông cảm với con người.

– Đọc sách giúp ta giải trí, thư giãn.

IV – BỐ CỤC VÀ PHƯƠNG PHÁP LẬP LUẬN TRONG BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

1. Ghi nhớ

Bố cục bài văn nghị luận có ba phần :

– Mở bài: Nêu vấn đề cần nghị luận (luận điểm xuất phát, tổng quát).

– Thân bài (có thể có nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn có một luận điểm nhỏ) : Trình bày nội dung chủ yếu của bài.

– Kết bài : Nêu kết luận nhằm khẳng định tư tưởng, thái độ, quan điểm của bài.

Để xác lập luận điểm trong từng phần và mối quan hệ giữa các phần, người ta có thể sử dụng các phương pháp lập luận khác nhau như suy luận nhân quả, suy luận tương đồng, …

2. Bài tập

Bài tập 12. Cho văn bản sau :

“Lòng nhân đạo tức là lòng thương người. Thế nào là lòng thương người và thế nào là lòng nhân đạo ? Hằng ngày, chúng ta thường có dịp tiếp xúc với đời sống bên ngoài, trước mắt chúng ta, loài người còn đầy rẫy những cảnh khổ. Từ một ông lão già nua, răng long tóc bạc, đáng lẽ phải được sống trong sự chăm sóc, đùm bọc của con cháu, thế mà ông lão ấy phải sống kiếp đời hành khất, sống bằng của bố thí của kẻ qua đường ; đến một đứa trẻ thơ, quá bé bỏng, mà lại sống bằng cách đi nhặt từng mẩu bánh của người khác ăn dở, thay vì được cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ… Những hình ảnh ấy và thảm trạng ấy khiến cho mọi người xót thương và tìm cách giúp đỡ. Đó chính là lòng nhân đạo.

Con người cần phải phát huy lòng nhân đạo của mình đối với mọi người xung quanh. Thánh Gan-đi có một phương châm : “Chinh phục được mọi người, ai cũng cho là khó, nhưng tạo được tình thương, lòng nhân đạo, sự thông cảm giữa con người với con người lại càng khó hơn. Điều kiện duy nhất để tạo sự kính yêu và mến phục đối với quần chúng, tốt nhất là phải làm sao phát huy lòng nhân đạo đến cùng và tột độ vậy.”

(Theo Lâm Ngũ Đường, Tinh hoa xử thế)

a) Tìm bố cục của văn bản trên.

b) Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.

A – Tự sự

B – Miêu tả

C – Biểu cảm

D – Nghị luận

c) Tìm luận điểm và luận cứ của văn bản. Các luận điểm ấy nhằm hướng tới vấn đề gì ?

d) Chỉ ra và nhận xét về cách lập luận của văn bản.

Bài tập 13. Cho văn bản sau :

“Chưa thời kì nào số lượng học sinh, sinh viên lại bị cận thị nhiều như giai đoạn hiện nay. Không chỉ các lớp trên, mà ngay học sinh bậc tiểu học, thậm chí học sinh lớp Một – nhiều cháu phải đeo kính. Cũng chưa bao giờ các cửa hàng kính thuốc rầm rộ mọc lên, làm ăn phát đạt như bây giờ ! Nếu lấy tỉ lệ rất thấp là 20% học sinh, sinh viên cận thị (mặc dù tỉ lệ thật sự cao hơn nhiều), thì trong số 22 triệu học sinh và gần một triệu sinh viên đại học, cao đẳng có đến trên bốn triệu cháu cận thị. Hãy làm một bài tính nhỏ : một chiếc kính cận giá trung bình một trăm nghìn đồng, thì một năm phải chi hơn bốn trăm tỉ đồng vào cái việc đáng lẽ ra không đáng chi đó (ấy là chưa kể cứ sáu tháng lại đi đo mắt, thay kính một lần, số tiền cũng phải là bốn trăm tỉ nữa). Tại sao học sinh, sinh viên cận thị nhiều ?

– Vì nhà trường thiếu trách nhiệm ! Nói rằng điều kiện các phòng học hạn chế thì thế hệ chúng tôi trước đây – những người đang ở độ tuổi 50, điều kiện học còn khó khăn hơn. Nhưng bù lại, chúng tôi có những người thầy biết quan tâm đến đôi mắt học sinh. Khi viết, bất cứ ai cúi xuống sát trang sách, trang vở liền được thầy uốn nắn, đe nẹt, thậm chí phạt. Nhờ sự nghiêm khắc có trách nhiệm đó, nên số người bị cận thị không đáng kể.

Gia đình thiếu trách nhiệm ! Tối tối, bố mẹ mải xem phim, xem báo hoặc mải kiếm tiền, mặc cho đôi mắt con mình đang bị các con chữ lít nhít làm cho mờ nhoè. Sự nhắc nhở nếu có cũng chỉ là hình thức, không có biện pháp cụ thể. Nhờ chiếc thước luôn dứ lên, dứ xuống của bố khi tôi ngồi học, mà tôi không cận thị ! Và còn tại nhiều điều khác nữa : xem ti vi, “chơi điện tử” trên máy vi tính quá nhiều. Đó chưa kể, để có lợi nhuận cao, các loại truyện viết cho thiếu nhi và những tờ báo dành riêng cho lứa tuổi học sinh, sinh viên, in trang nhỏ quá, in chữ quá mờ, sử dụng íoại giấy quá xấu… Nhìn vào lớp học loa loá nhiều cặp kính trắng mà những người có trách nhiệm vẫn vô cảm, không xót ruột, thì số lượng học sinh cận thị còn gia tăng ! Sẽ là thế nào nếu thế hệ con em chúng ta, cuộc đời cứ phải gắn liền với đôi kính cận

a) Đây là một văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống. Bố cục của văn bản như thế nào ? Hãy tách các phần và nêu tiêu đề.

b) Đặt tên cho văn bản. Có thể gọi tên của văn bản là luận đề được không ? Vấn đề nêu ra bàn luận có thiết thực trong đời sống xã hội không ?

c) Chỉ ra các luận điểm, luận cứ của văn bản.

Xem thêm: Giải Phương Trình Cos2X=1/2, Phương Trình (Cos 2X = 1 ) Có Nghiệm Là:

d) Lập luận của văn bản trên đi theo phương pháp nào ? Có thuyết phục người nghe không ?

Bài tập 14. Viết một đoạn văn giải thích vì sao tác giả Phạm Duy Tốn lại lấy nhan đề tác phẩm của mình là Sống chết mặc bay ?

Hướng dẫn làm dạng bài văn nghị luận – Ngữ Văn lớp 7 nâng cao tại đây. 

Phương pháp và thực hành ôn luyện dạng văn nghị luận – Ngữ Văn 7 nâng cao tại đây. 

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Luận văn