Diện Tích Chợ Đồng Xuân Market, Chợ Đồng Xuân

*
*

Vị trí: Thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.Ðặc điểm: Không chỉ là một trung tâm buôn bán lớn của Hà Nội và của Việt Nam, chợ Đồng Xuân còn là một điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách thập phương.

Nằm trong khu phố cổ Hà Nội, chợ Đồng Xuân từng được khách thập phương biết đến như là “dạ dày” của Hà Nội. Lịch sử của khu chợ này gắn liền với sự hình thành và phát triển thương mại của đất Thăng Long xưa. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, nằm trong tổng Đồng Xuân nên chợ có tên là Đồng Xuân.

Khi mới xây dựng, chợ được thiết kế tương đối đơn giản. Với tổng diện tích khoảng 6500m², toàn bộ khu chợ gồm 5 dãy nhà liền kề nhau. Các dãy nhà đều được lợp tôn mái chảy, bộ khung bên trong bằng sắt. Mặt trước là các vòm cuốn, mỗi vòm dài 52m, khung thép cao 19m, rộng 25m; bên trong phân cách bởi các đường đi giữa các vòm. Mặt tiền được thiết kế theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.

Nhờ có điều kiện giao thông đường thủy, đường bộ đều thuận lợi nên dân buôn bán ở Thanh – Nghệ ra, trên miền ngược theo sông Hồng xuôi xuống và dân các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đổ về mang theo đủ loại hàng hoá khiến cho chợ Đồng Xuân trở thành nơi tập trung giao thương lớn nhất Bắc Kỳ khi đó. Chợ Đồng Xuân không những là đầu mối phân phối, buôn bán hàng hóa mà còn là trung tâm chỉ đạo các hoạt động kinh tế của thành phố Hà Nội và chi phối cả Bắc Kỳ. Đặc biệt từ khi người Pháp xây dựng xong cầu Long Biên thì chợ Đồng Xuân còn thu hút được sự chú ý của giới thương nhân nước ngoài, nhất là các nước Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ….thường xuyên qua lại buôn bán. Số thương nhân người Việt cũng như người nước ngoài đến làm ăn ở đây ngày càng nhiều làm cho không khí buôn bán ở Đồng Xuân càng thêm tấp nập. Cùng với việc duy trì các phố buôn bán và sản xuất hàng thủ công truyền thống như Hàng Chiếu, Hàng Giấy, Hàng Đậu…, Đồng Xuân cũng là nơi đặt văn phòng thương mại của người Việt, người Pháp, người Hoa, người Ấn.

Đang xem: Diện tích chợ đồng xuân

Khi mới đi vào hoạt động, chợ Đồng Xuân chỉ họp theo lối chợ phiên, hai ngày một phiên, nhưng về sau do nhu cầu của sự phát triển kinh tế thương mại, chợ họp theo ngày từ sáng đến tối. Hàng hoá bán trong chợ rất phong phú, đa dạng: Từ hàng nông sản, thực phẩm, rau quả, đến hàng vải vóc, máy móc của Pháp, Trung Hoa, Ấn Độ… Hoạt động buôn bán còn diễn ra ở các phố xung quanh như: phố Hàng Đồng, phố Hàng Chiếu, phố Bát Sứ, phố Thuốc Bắc chiếm một khoảng dài đến 2km. Phố Hàng Giấy là nơi tiêu thụ sản phẩm giấy của các phường thủ công ven đô như Bưởi, Trích Sài… Sản phẩm nông nghiệp như gạo, ngô, khoai, sắn….của nông dân ngoại thành được tập trung mua bán chủ yếu ở phố Hàng Khoai, Hàng Gạo. Sau này khi chợ Đồng Xuân được xây dựng lại (năm 1995) thì hầu hết hàng hoá được đem vào bán trong chợ. Tuy vậy các phố xung quanh vẫn diễn ra các hoạt động buôn bán của các cửa hiệu gia đình.

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Tại đây đã diễn ra các trận chiến giữa Vệ quốc quân chống lại lính Lê Dương của Pháp và rất nhiều Vệ quốc quân đã hy sinh trước khi rút khỏi Hà Nội. Năm 2005, nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố đã dựng bức phù điêu Hà Nội mùa đông năm 1946 ngay cạnh chợ Đồng Xuân nhằm tưởng nhớ những người đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Thủ đô.

Xem thêm: Tìm Điều Kiện Của M Để Phương Trình Có Nghiệm, Tìm M Để Phương Trình Sau Có Nghiệm

Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại với số vốn đầu tư 68 tỉ đồng. Ngày nay, chợ được xây dựng thành 3 tầng với tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² và khoảng 2000 gian hàng kinh doanh. Chợ Đồng Xuân hiện nay có khu giao dịch, bán hàng, có nhiều cầu thang, lối đi thoáng đãng với ba lối vào phía trước, 3 lối vào phía sau, 2 lối vào phía hông, 2 cầu thang ngoài trời lên chợ Đồng Xuân – Bắc Qua, 5 cầu thang lên các tầng trên và một hệ thống thang máy hiện đại.

Xem thêm: luận văn về nguyễn quang sáng

Từ năm 2003, để đa dạng hóa hoạt động buôn bán, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, chợ đêm Đồng Xuân đã ra đời. Chợ đêm Đồng Xuân kết nối với tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân tạo thành chuỗi chợ đêm kéo dài từ bờ Hồ đến chợ Đồng Xuân, thu hút đông đảo người Hà Nội và khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Không gian phố đi bộ cũng là dự án mới để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tại đây còn tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian như hát xẩm, hát chèo, quan họ Bắc Ninh… và đã được Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đánh giá cao trong việc khôi phục văn hóa truyền thống. Mặc cho nhịp thời gian vẫn chảy trôi, chợ từ hơn 100 năm qua vẫn sống động với từng dấu mốc lịch sử và tấp nập với những kẻ bán người mua. Không chỉ là nơi buôn bán huyên náo, nhộn nhịp nhất Hà Thành, chợ Đồng Xuân còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của người dân Kẻ Chợ xưa và cũng là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi dừng chân ở Hà Nội.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Diện tích