Hỏi Về Cách Tính Lãi Theo Thông Tư 39 Mà Bạn Cần Nắm Chắc, Hỏi Về Cách Tính Lãi Theo Tt 39/2016/Tt

*

Thông tư 39 được ban hành nhằm khắc phục các bất cập đã nảy sinh trong quá trình thực hiện Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN (Quyết định 162), thực hiện các quy định tại các luật liên quan như Bộ luật dân sự 2015, Luật các TCTD 2010; đồng thời, tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu các thay đổi chủ yếu của cơ chế cho vay mới của TCTD đối với khách hàng theo Thông tư 39.

Đang xem: Cách tính lãi theo thông tư 39

1. Về chủ thể vay vốn

Theo quy định tại Quyết định 1627, chủ thể được vay vốn bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự.

Khác với quy định tại Quyết định 1627 nêu trên, trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự 2015 về chủ thể (chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân), Thông tư 39 quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Như vậy, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Thông tư 39, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân… Đồng thời, Thông tư 39 cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.

2. Về áp dụng pháp luật trong hoạt động cho vay

Cơ chế cho vay trước đây được quy định tại khá nhiều văn bản khác nhau và Quyết định 1627 không có quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật dẫn đến nhiều khó khăn cho việc áp dụng các quy định của pháp luật trong hoạt động cho vay của TCTD.

Khắc phục bất cập này, Thông tư 39 đã hệ thống nội dung của 08 văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thành một Thông tư quy định chung về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng. Đồng thời, Thông tư 39 đã quy định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật trong hoạt động cho vay, cụ thể:

Thứ nhất, hoạt động cho vay của TCTD thực hiện theo quy định tại Luật các TCTD, Thông tư 39 và các quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ hai, các hoạt động cho vay cụ thể được quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, thì việc cho vay được thực hiện theo quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN.

Thứ ba, trường hợp văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN có quy định dẫn chiếu áp dụng Thông tư 39 hoặc các nội dung liên quan đến hoạt động cho vay không được quy định tại văn bản riêng, thì thực hiện theo quy định có liên quan tại Thông tư 39.

Như vậy, các quy định tại Thông tư 39 là quy định chung về cho vay. Các quy định về hoạt động cho vay cụ thể như: Cho vay hợp vốn theo Thông tư 42/2011/TT-NHNN, Thông tư 24/2016/TT-NHNN; Cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN; Cho vay bằng ngoại tệ theo Thông tư 24/2015/TT-NHNN, Thông tư 31/2016/TT-NHNN; Cho vay đối với khách hàng để đầu tư ra nước ngoài theo Thông tư 10/2006/TT-NHNN; Cho vay thu nợ ở nước ngoài theo Thông tư 45/2011/TT-NHNN, Thông tư 13/2016/TT-NHNN… được ưu tiên áp dụng so với quy định tại Thông tư 39.

3. Về điều kiện vay vốn và hồ sơ vay vốn

Về điều kiện vay vốn, so với Quyết định 1627, Thông tư 39 về cơ bản kế thừa quy định về điều kiện vay và có hai thay đổi sau đây: (i) Bỏ điều kiện quy định về tài sản bảo đảm tiền vay; (ii) Bổ sung thêm đối tượng cá nhân được vay vốn là cá nhân từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Về hồ sơ vay vốn, kế thừa quy định tại Quyết định 1627, Thông tư 39 trao quyền cho TCTD hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, Thông tư 39 đã bỏ yêu cầu khách hàng phải gửi giấy đề nghị vay vốn cho TCTD và đơn giản hóa phương án sử dụng vốn đối với hoạt động cho vay đời sống.

4. Về mục đích vay vốn

Theo Quyết định 1627, mục đích vay vốn là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư và đời sống.

Thông tư 39 không giới hạn mục đích vay vốn như Quyết định 1627 cũ mà chia nhu cầu vay vốn thành 2 nhóm: (i) Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; (ii) Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác. Thông tư 39 cũng bổ sung các quy định áp dụng riêng đối với hoạt động cho vay phục vụ hoạt động nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác phù hợp với đặc điểm của từng mảng cho vay này (như phương án sử dụng vốn, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ).

5. Về nhu cầu không được cho vay

So với quy định tại Quyết định 1627, Thông tư 39 đã bỏ quy định về đảo nợ tại Quyết định 1627 và kế thừa các quy định hiện hành tại Quyết định 1627, bổ sung một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế. Theo Thông tư 39, các nhu cầu không được vay vốn gồm: (i) Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh; (ii) Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm; (iii) Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh; (iv) Để mua vàng miếng; (v) Để trả nợ khoản nợ vay tại chính TCTD cho vay; (vi) Để trả nợ khoản nợ vay tại TCTD khác và trả nợ khoản vay nước ngoài.

Tuy nhiên, Thông tư 39 có quy định ngoại lệ đối với hai nhu cầu vay vốn, cụ thể:

Thứ nhất, cấm cho vay để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính TCTD cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

Thứ hai, cấm cho vay để trả nợ khoản cấp tín dụng tại TCTD khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: (i) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh; (ii) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ; (iii) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

6. Về đồng tiền cho vay và trả nợ

Khác với quy định tại Quyết định 1627 không quy định cụ thể đồng tiền cho vay, Thông tư 39 quy định cụ thể TCTD và khách hàng thỏa thuận về việc cho vay bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, Thông tư 39 cũng quy định rõ đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay.

7. Về loại cho vay và thời hạn cho vay

Kế thừa quy định về loại cho vay tại Quyết định 1627, Thông tư 39 quy định TCTD xem xét cho khách hàng vay theo 3 loại cho vay sau: (i) Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 năm; (ii) Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 năm và tối đa 05 năm; (iii) Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 năm. Như vậy, so với quy định 1627, Thông tư 39 đã thay đổi căn cứ tính thời hạn của khoản vay từ tháng sang năm. Quy định này đã thay đổi thời hạn vay tính theo ngày của các loại cho vay. Cụ thể:

Bảng so sánh thời hạn của các loại cho vay theo Quyết định 1627 và Thông tư 39:

Loại cho vay Quyết định 1627 Thông tư 39
Tháng Ngày Năm Ngày
Cho vay ngắn hạn ≤ 12 ≤ 360 ≤ 1 ≤ 365
Cho vay trung hạn > 12 và ≤ 60 > 360 và ≤ 1800 > 1 và ≤ 5 > 365 và ≤ 1825
Cho vay dài hạn > 60 > 1800 > 5 > 1825

Theo Quyết định 1627, thời hạn vay được tính từ khi khách hàng nhận vốn vay cho đến thời điểm khách hàng trả hết nợ và lãi vốn vay.

Thực hiện quy định của Bộ luật dân sự 2015 về cách tính thời hạn, Thông tư 39 quy định thời hạn cho vay được tính từ ngày tiếp theo của ngày TCTD giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến hết ngày khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của TCTD và khách hàng. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn cho vay là ngày lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần, thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với thời hạn cho vay không đủ một ngày thì thực hiện theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 về thời điểm bắt đầu thời hạn.

Ngoài ra, Thông tư 39 cũng quy định thời hạn cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, thời hạn cho vay không quá thời hạn hoạt động hợp pháp còn lại của khách hàng vay; đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

8. Về lãi suất cho vay

Trên cơ sở quy định tại điều 466, 468 Bộ luật dân sự 2015, quy định tại điều 91 Luật các TCTD 2010 và kế thừa quy định về lãi suất cho vay tại Thông tư 12/2010/TT-NHNN, Thông tư 08/2014/TT-NHNN, quy định tại Thông tư 39 đã quy định về lãi suất cho vay như sau:

Thứ nhất, TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 5 lĩnh vực ưu tiên do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ. Như vậy, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông tư 39.

Thứ hai, Thông tư 39 bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, cụ thể: Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Thứ ba, Thông tư 39 cũng quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên phần dư nợ gốc quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Nợ gốc quá hạn gồm: (i) Nợ gốc đến hạn không trả được; và (ii) Nợ gốc chưa đến hạn bị chuyển sang đến hạn theo thỏa thuận do vi phạm hợp đồng và khách hàng không trả được.

9. Về phí liên quan hoạt động cho vay

Thông tư 39 đã kế thừa các quy định về 4 loại phí được thu tại Thông tư 05/2010/TT-NHNN về phí và bổ sung thêm một loại phí là “phí cam kết rút vốn” từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu. Đây là loại phí mà thông lệ quốc tế, các TCTD đều được thu để bù đắp chi phí thu xếp vốn cho vay của TCTD, hạn chế trường hợp khách hàng đã ký kết thỏa thuận về cho vay và được TCTD bố trí nguồn vốn để vay nhưng không thực hiện rút vốn.

10. Về minh bạch hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay vốn

Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, Thông tư 39 đã bổ sung nhiều quy định về trách nhiệm của TCTD như sau:

Thứ nhất, về công khai hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung, thực hiện quy định tại điều 405, 406 Bộ luật dân sự 2015, Thông tư 39 quy định trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, TCTD phải thực hiện: (i) Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của TCTD; (ii) Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được TCTD cung cấp đầy đủ thông tin.

Xem thêm: Các Dạng Bài Toán Tính Diện Tích Hình Chữ Nhật Lớp 3, Bài Toán Về Diện Tích Hình Chữ Nhật

Thứ hai, để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, Thông tư 39 đã có quy định cụ thể về trách nhiệm của TCTD như sau: (i) TCTD có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay: Lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay; (ii) Thỏa thuận cho vay phải có nội dung thỏa thuận về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó. (iii) Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, TCTD và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.

Thứ ba, về thông báo khi chuyển nợ quá hạn và thu nợ trước hạn, Thông tư 39 quy định TCTD thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn đối với nợ gốc. Nội dung thông báo tối thiểu gồm: Số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn. Đồng thời, khi thực hiện quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận, TCTD phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn với nội dung thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời hạn hoàn trả số nợ gốc này, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng.

11. Về thứ tự thu hồi nợ gốc lãi

Thông tư 39 đã bổ sung quy định cụ thể thứ tự thu nợ đối với gốc và lãi theo hướng TCTD và khách hàng thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay. Riêng đối với khoản nợ vay bị quá hạn trả nợ, Thông tư 39 quy định TCTD thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau.

12. Về quy định nội bộ

So với Quyết định 1627, Thông tư 39 đã bổ sung và quy định cụ thể về trách nhiệm phải ban hành quy định nội bộ về cho vay của TCTD và yêu cầu áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống từng TCTD. 7 nhóm nội dung phải có của quy định nội bộ về cho vay bao gồm:

(i) Điều kiện cho vay; các nhu cầu vốn không được cho vay; phương thức cho vay; lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi tiền vay; hồ sơ cho vay và các tài liệu của khách hàng gửi tổ chức tín dụng phù hợp với đặc điểm của khoản vay, loại cho vay và đối tượng khách hàng; thu nợ; điều kiện, quy trình và thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn;

(ii) Quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay, trong đó quy định cụ thể thời hạn tối đa thẩm định, quyết định cho vay; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định cho vay và các công việc khác thuộc quy trình hoạt động cho vay;

(iii) Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;

(iv) Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, việc quản lý, giám sát, theo dõi tài sản bảo đảm tiền vay phù hợp với biện pháp bảo đảm tiền vay, đặc điểm của tài sản bảo đảm tiền vay và khách hàng;

(v) Chấm dứt cho vay, xử lý nợ; miễn, giảm lãi tiền vay, phí;

(vi) Nhận dạng các loại rủi ro có thể phát sinh trong quá trình cho vay; quy trình theo dõi, đánh giá và kiểm soát rủi ro; phương án xử lý rủi ro;

(vi) Kiểm soát việc cho vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng, trả nợ khoản vay nước ngoài nhằm phòng ngừa và ngăn chặn việc phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Kiểm soát việc cho vay theo phương thức cho vay tuần hoàn và phương thức cho vay quay vòng nhằm quản lý dòng tiền của khách hàng để đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, phản ánh đúng chất lượng tín dụng;

13. Về thỏa thuận cho vay

So với Quyết định 1627, Thông tư 39 đã quy định cụ thể hơn nội dung phải có của thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng. Cụ thể thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng phải lập bằng văn bản và phải có tối thiểu 14 nội dung sau đây: (i) Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của TCTD cho vay; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc mã số doanh nghiệp của khách hàng; (ii) Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng; hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán; (iii) Mục đích sử dụng vốn vay; (iv) Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ; (v) Phương thức cho vay; (vi) Thời hạn cho vay; thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức, thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng, hoặc thời hạn duy trì hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán; (vii) Lãi suất cho vay theo thỏa thuận và mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; loại phí liên quan đến khoản vay và mức phí áp dụng; (viii) Giải ngân vốn cho vay và việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay; (ix) Việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; trả nợ trước hạn; (x) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được TCTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hình thức và nội dung thông báo chuyển nợ quá hạn; (xi) Trách nhiệm của khách hàng trong việc phối hợp với TCTD và cung cấp các tài liệu liên quan đến khoản vay để TCTD thực hiện thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; (xii) Các trường hợp chấm dứt cho vay; thu nợ trước hạn; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi TCTD chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn; hình thức và nội dung thông báo chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn; (xiii) Xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên; (xiv) Hiệu lực của thỏa thuận cho vay.

Đồng thời, Thông tư 39 cũng cho phép các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác (ngoài nội dung bắt buộc) phù hợp với quy định tại Thông tư 39 và quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Thông tư 39 quy định thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng có thể được lập dưới hình thức: (i) Thỏa thuận cho vay cụ thể; hoặc (ii) Thỏa thuận khung và thỏa thuận cho vay cụ thể.

14. Về sử dụng ngôn ngữ

Thông tư 39 đã bổ sung quy định về sử dụng ngôn ngữ như sau: (i) Thỏa thuận cho vay được lập bằng tiếng Việt hoặc đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; (ii) Đối với các tài liệu khác trong hoạt động cho vay sử dụng tiếng nước ngoài, khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dịch sang tiếng Việt, thì bản dịch phải có xác nhận của người có thẩm quyền của tổ chức tín dụng hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực.

15. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ

So với Quyết định 1627, Thông tư 39 đã quy định cụ thể hơn về trường hợp cơ cấu thời hạn trả. Cụ thể, Thông tư 39 quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ bao gồm điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ, trong đó: (i) Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc TCTD chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi; (ii) Gia hạn nợ là việc TCTD chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận.

Theo quy định tại Thông tư 39, TCTD xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, cụ thể: (i) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được TCTD đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì TCTD xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi; (ii) Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thoả thuận và được TCTD đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất ðịnh sau thời hạn cho vay, thì TCTD xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; (iii) Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.

16. Về chuyển nợ quá hạn

Theo quy chế cho vay tại 1627, đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được tổ chức tín dụng đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì toàn bộ số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn. Quy định này ảnh hưởng đến quyền lợi của người vay và quyền tự chủ của TCTD. Do vậy, Thông tư 39 đã sửa đổi quy định này theo hướng TCTD chỉ chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được TCTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

17. Về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Thông tư 39 đã sửa đổi, bổ sung quy định về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại như sau: (i) TCTD và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp TCTD hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp vi phạm về trả gốc, lãi. Như vậy, theo quy định này, thỏa thuận phạt vi phạm chỉ được áp dụng đối với hành vi vi phạm các nghĩa vụ của thỏa thuận cho vay (không phải là nghĩa vụ trả gốc, lãi); (ii) TCTD và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp TCTD và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

18. Về phương thức cho vay

So với Quyết định 1627, Thông tư 39 đã bổ sung thêm nhiều phương thức cho vay mới phù hợp với thực tế, sửa đổi nội hàm của các phương thức cho vay để bảo đảm phân biệt rõ ràng giữa các phương thức. Cụ thể, các phương thức cho vay theo Thông tư 39 bao gồm:

Một là, cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, TCTD và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết thỏa thuận cho vay.

Hai là, cho vay hợp vốn: Là việc có từ hai TCTD trở lên cùng thực hiện cho vay đối với khách hàng để thực hiện một phương án, dự án vay vốn.

Ba là, cho vay lưu vụ: Là việc TCTD thực hiện cho vay đối với khách hàng để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm. Theo đó, TCTD và khách hàng thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhưng không vượt quá thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp.

Bốn là, cho vay theo hạn mức: TCTD xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong hạn mức cho vay, TCTD thực hiện cho vay từng lần. Một năm ít nhất một lần, TCTD xem xét xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này.

Năm là, cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng: TCTD cam kết đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi mức cho vay dự phòng đã thỏa thuận. TCTD và khách hàng thỏa thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng nhưng không vượt quá 01 (một) năm.

Sáu là, cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: TCTD chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán. Mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa 01 (một) năm.

Bảy là, cho vay quay vòng: TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 01 (một) tháng, khách hàng được sử dụng dư nợ gốc của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo nhưng thời hạn cho vay không vượt quá 03 (ba) tháng.

Tám là, cho vay tuần hoàn (rollover): TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay ngắn hạn đối với khách hàng với điều kiện: (i) Đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay; (ii) Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh; (iii) Tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các TCTD; (iv) Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các TCTD thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.

Chín là, các phương thức cho vay khác được kết hợp 8 các phương thức cho vay nêu trên, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của TCTD và đặc điểm của khoản vay.

Xem thêm: quản lý vốn đầu tư bằng excel

Ngoài ra, Thông tư 39 cũng có quy định cụ thể về giải thích từ ngữ, nguyên tắc cho vay, yêu cầu đối với quy định nội bộ, thẩm định và quyết định cho vay, miễn giảm lãi, phí, kiểm tra việc sử dụng tiền vay, lưu giữ hồ sơ vay vốn…

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Cách tính