Các Đoạn Văn Nghị Luận Xã Hội Lớp 10, Chuyên Đề Nghị Luận Xã Hội Thi Vào Lớp 10

Tuyển tập 109 đoạn văn nghị luận 200 chữ gồm 87 trang, với nhiều chủ đề khác nhau như bàn về bản lĩnh, lòng dũng cảm, ý chí, tính trung thực, cống hiến, tình mẫu tử, lời cảm ơn, tôn sư trọng đạo, lòng yêu thương, uống nước nhớ nguồn…

Đang xem: Các đoạn văn nghị luận xã hội lớp 10

Các đoạn văn nghị luận xã hội sẽ xuất hiện trong đề thi Ngữ Văn THPT Quốc Gia 2021. Với 109 đoạn văn nghị luận xã hội dưới đây sẽ giúp các em có thêm vốn từ, ý tưởng để làm bài thi đạt kết quả cao. Vậy sau đây là nội dung chi tiết đoạn văn nghị luận 200 chữ, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.

109 ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 CHỮ

1. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về Bản Lĩnh

Bài 1

“Bản lĩnh” – hai từ thật đơn giản nhưng bạn biết không, hàm chứa trong đó là cả một quá trình quyết tâm kiên cường không ngại gian khổ. Giống như một chiếc áo giáp được tôi luyện từ những nguyên liệu bền vững nhất, bản lĩnh giúp ta không còn phải lo sợ trước những cơn gió to hay những ngọn sóng dữ. Vậy bản lĩnh là gì? Bản lĩnh là khả năng giải quyết mọi chuyện một cách bình tĩnh, thông minh và tỉnh táo. Người bản lĩnh là người dám đương đầu với khó khăn gian khổ. Thất bại, tự họ sẽ đứng lên. Cay đắng họ sẽ làm cho mọi thứ ngọt ngào. Họ dám làm những điều lớn lao, kỳ vĩ, xoay trời chuyển đất. Ở những người có bản lĩnh, họ luôn có trái tim đầy lý trí; có lòng quyết tâm cao độ với một lòng can đảm cùng với một nghị lực, ý chí mạnh mẽ. Họ sẵn sàng đương đầu với thử thách. Ở họ, ta luôn tìm thấy cái kiên định nơi đáy mắt và một nụ cười biểu trưng cho sự tự tin. Các cầu thủ U23 Việt Nam làm nên kỳ tích trước các đối thủ lớn về thể hình, mạnh về tốc độ như Uzơ-bê –kit- tan, I-rắc, Quata cũng là nhờ vào bản lĩnh. Người bản lĩnh, họ sẽ được mọi người yêu quý, tin cậy; bản thân họ cũng sẽ hiểu được sứ mệnh của mình là chỗ dựa tinh thần cho người khác. Vì vậy, người bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và dám thành công. Tuy nhiên cũng có những người vừa mới thấy nhấp nhô gợn sóng đã vội vã buông tay chèo, dễ dàng chấp nhận thất bại. Chắc chắn một điều rằng, những kẻ ấy vĩnh viễn không thể tự khẳng định vị trí của mình trong xã hội, mãi mãi chỉ có thể sống dưới cái bóng của kẻ khác. Và bạn ơi, bản lĩnh khởi đầu như thế đấy! Khoan nói đến những thành quả mà bản lĩnh đem lại, chỉ nói riêng đến quá trình rèn luyện thôi cũng đã được xem là một thành tựu rồi. Đến đây, tôi chợt nhớ đến bông bồ công anh mạnh mẽ nương mình theo gió để vươn đến những chân trời cao xa. Ngay cả loài hoa mong manh nhỏ bé còn có thể tự luyện cho mình bản lĩnh, vậy còn bạn? Bạn có chấp nhận kiếp sống còn thua kém cả một loài hoa?

Bài 2

Trong cuộc sống của mỗi con người muốn đạt được thành công, chúng ta không thể thiếu bản lĩnh. Vậy bản lĩnh là gì và tại sao lại đóng vai trò quan trọng đến vậy? Bởi bản lĩnh là những vấn đề quyết định một cách độc lập, không vì áp lực bên ngoài mà dễ dàng thay đổi. Một con người bản lĩnh luôn dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách khó khăn và không bao giờ chối bỏ trách nhiệm của mình. Nhờ vậy, trên đường đời với vô số chông gai, họ luôn giữ cho mình một tinh thần sắt đá, phong thái điềm tĩnh, sự kiên định đáng ngưỡng mộ và dễ dàng dành được sự tín nhiệm, tôn trọng từ những người xung quanh. Oprah Winfrey là một tấm gương tiêu biểu. Sinh ra tại một khu ổ chuột, lớn lên với người cha nghiện ngập, thậm chí đã từng bị xâm hại tình dục, bà vẫn kiên cường vượt qua mọi định kiến, gian nan để trở thành tỉ phú da màu ở tuổi 40 cũng như truyền cảm hứng cho biết bao mảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay vẫn còn một số người thiếu bản lĩnh trong cuộc sống, ngại khó, ngại khổ, luôn đổ lỗi cho số phận. Chính vì vậy họ mãi mãi không bao giờ chạm đến ngưỡng cửa thành công. Bản thân mỗi chúng ta hiểu được giá trị của bản lĩnh vì vậy cần xây dựng cho riêng mình một bản lĩnh vững vàng bằng cách không ngừng trau dồi tri thức, kĩ năng sống cũng như nhân cách. Hơn tất thảy, tuyệt đối không được nhầm lẫn giữa bản lĩnh với sự tự phụ hay bảo thủ. Bởi như John Ruskin từng nói, “ bản lĩnh là sự hợp nhất của kinh nghiệm, trí tuệ và đam mê trong guồng hành động”.

2. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về “Lòng Dũng Cảm”

Đoạn văn 1

Lòng dũng cảm là một trong những đức tính vô cùng cần thiết và đáng quý ở mỗi con người. Dù ở nơi đâu khi làm bất cứ việc gì con người cũng đều cần đến lòng dũng cảm. Dũng cảm là không sợ nguy hiểm, khó khăn. Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa. Dũng cảm là sẵn sàng hy sinh bản thân mình để cứu giúp những người khó khăn hoạn nạn. Trong chiến tranh, nhờ những tấm gương dũng cảm như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, La Văn Cầu… và bao tấm gương thương binh, liệt sĩ mà đất nước mới có được nền độc lập. Trong hoà bình những người lính, những chiến sĩ công an dũng cảm đấu tranh với tội phạm để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Người dũng cảm là người bản lĩnh, dám đương đầu và không lùi bước. Và cũng như bản lĩnh, dũng cảm sẽ giúp con người vươn đến thành công. Người dũng cảm luôn được mọi người yêu mến và quý trọng. Qua đây ta cũng cần phê phán những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí. Phê phán những kẻ hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống. Dũng cảm là cần thiết, vì vậy cần rèn luyện tinh thần dũng cảm từ việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Luôn đấu tranh loại bỏ sự hèn nhát, rèn cho mình ý chí, nghị lực, bản lĩnh. Hãy nhớ rằng, hèn nhát là bóng tối đẩy lùi bước tiến của xã hội và chỉ có dũng cảm mới có thể dẫn lối soi đường cho ta thoát khỏi con đường hầm tăm tối đó.

Đoạn văn 2

Lòng dũng cảm là một trong những phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam – một dân tộc anh hùng. Lòng dũng cảm là tinh thần sẵn sàng dấn thân, dù trong bất kì tình huống nào cũng kiên cường, không ngại khó khăn, nguy hiểm. Biểu hiện của lòng dũng cảm là khí thế mạnh mẽ, dám đương đầu với khó khăn, thử thách mà không hề run sợ, luôn đấu tranh cho lẽ phải. Trong cuộc sống, lòng dũng cảm có ý nghĩa vô cùng lớn bởi đó chính là một trong những yếu tố để ta có thể vượt qua khó khăn và đạt được thành công. Minh chứng rõ nhất cho ý nghĩa của lòng dũng cảm đó là tấm gương của biết bao vị anh hùng, chiến sĩ, thậm chí là nông dân can trường xả thân vì đất nước. Hình ảnh hàng ngàn con người chảy trong mình dòng máu Lạc Hồng dũng cảm chiến đấu với mọi kẻ thù xâm lược, gan dạ trước họng súng của giặc mà hô to khẩu hiệu “Việt Nam muôn năm” đã khiến cả thế giới phải nể phục. Hiện nay, lòng dũng cảm vẫn luôn được phát huy, không chỉ dũng cảm trong chiến trường mà mỗi người dân Việt Nam còn dũng cảm trong công việc, trong đời sống, ví dụ như tấm gương của các nhóm “hiệp sĩ đường phố” ở thành phố Hồ Chí Minh…. Tóm lại, lòng dũng cảm là một trong những truyền thống đáng tự hào của dân tộc, cần được những thế hệ đi sau giữ gìn và phát huy mạnh mẽ, có như vậy đất nước mới có thể phát triển, xã hội mới trở nên văn minh, giàu đẹp.

Đoạn văn 3

Thành công không phải là cuối cùng, thất bại không phải là chấm hết, luôn sẵn lòng can đảm đi tiếp mới quan trọng. Hiểu một cách đơn giản, dũng cảm là sự gan dạ, không sợ gian khổ nguy hiểm, sẵn sàng đối mặt với khó khăn thử thách để vươn tới thành công của con người. Lòng dũng cảm chính là động lực tạo nên nguồn sức mạnh chinh phục khó khăn thử thách để chiến thắng. Người dũng cảm luôn xông xáo trong các nhiệm vụ, không dựa dẫm hay ỷ lại người khác, luôn năng động và sáng tạo, kiên trì với mục tiêu, quyết liệt hành động, không bao giờ lùi bước. Chính lòng can đảm giúp con người vượt qua nỗi sợ hãi, kiên cường tiến lên phía trước, chinh phục khó khăn, thử thách, đạt tới thành công. Ai cũng cần có lòng dũng cảm bởi cuộc sống luôn đặt ra cho chúng ta những trở ngại để rèn luyện, để chinh phục nhằm chiếm lĩnh các giá trị, xây dựng cuộc sống tốt đẹp như ý mình muốn. Người không có lòng dũng cảm thường sống hèn kém và thất bại. Lòng dũng cảm không sẵn có mà cần phải rèn luyện từng ngày. Trước hết, phải kiên định với mục tiêu, không vì khó khó, trở ngại mà bỏ cuộc. Biết sống vì người khác, tương trợ, đoàn kết trong công việc chung. Nâng cao ý chí vươn lên, không tham lam, ích kỷ, than vãn hay chán nản. Tuy nhiên, can đảm không có nghĩa là liều lĩnh, hành động mù quáng mà phải xuất phát từ trí tuệ sáng suốt, lý tưởng cao đẹp và tâm hồn thanh khiết, hướng đến tạo dựng những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Đoạn văn 4

Dũng cảm là phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. Lòng dũng cảm được hiểu là tấm lòng gan dạ, dám dấn thân, đương đầu với khó khăn, gian khổ vì mục đích cao đẹp. Trong cuộc sống, lòng dũng cảm được biểu hiện bằng những hành động cụ thể trong từng hoàn cảnh khác nhau. Đó có thể là lòng dũng cảm của những vị anh hùng cứu nước, của những người chiến sĩ cách mạng dám dấn thân vào vòng vây của giặc, đứng hiên ngang trước mũi súng, làn bom vì mục đích cứu nước cứu dân cao cả. Đó cũng có thể là lòng dũng cảm của người con người bình thường dám đương đầu với khó khăn, dám thử sức mình với cái mới để tìm ra con người thành công cho bản thân và xã hội. Xã hôi hiện nay có rất nhiều tấm gương hiệp sĩ nông dân tự nguyện đứng lên chống cướp, bắt cướp, đảm bảo an toàn cho người dân, tiêu biểu như nhóm hiệp sĩ ở các quận thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua. Có thể thấy, lòng dũng cảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của con người và cả xã hội. Hiểu rõ điều đó, chúng ta cần rèn luyện cho bản thân lòng dũng cảm, kiên cường, gan dạ ngay trong những hoàn cảnh nhỏ nhất, tránh xa lối sống hèn nhát, ích kỉ, ngại khó. Có như vậy, ta mới trở thành công dân có ích, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Xem thêm: Tiểu Luận Về Công Tác Mặt Trận Tổ Quốc Phườn…, Chức Năng Nhiệm Vụ

3. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của Ý Chí (Nghị lực)

Đoạn văn 1

Muốn vượt qua gian nan thử thách trên đường đời, con người không thể thiếu đi nghị lực. Vậy nghị lực là gì? Đó là là ý chí, là bản lĩnh, lòng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Người giàu nghị lực luôn có sức sống mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi thử thách khó khăn, kiên trì vượt qua nghịch cảnh để đi đến thành công. Trong thực tế, ta có thể bắt gặp không ít con người như vậy. Nguyễn Ngọc Ký thiếu đi đôi tay nhưng không ngừng nỗ lực để trở thành một người thầy đáng kính, Nick Vujick sinh ra với tứ chi khiếm khuyết nhưng chưa một lần chịu thua số phận, Stephen Hawking bị bại liệt ở tuổi ngoài 20 và được ngợi ca là nhà vật lí học đương đại nổi tiếng nhất… Họ chính là những tấm gương sáng, đem đến cho ta bài học quý báu về giá trị của ý chí, nghị lực và sự quyết tâm. Vậy nhưng, trong xã hội vẫn có một số người có lối sống ỷ lại, dựa dẫm, không có tinh thần phấn đấu, ý chí tiến thủ. Không chỉ tự đưa mình vào ngõ cụt, những người như vậy còn kéo lùi dòng chảy văn minh của nhân loại, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thế hệ trẻ hôm nay cần phê phán lối sống này, không ngừng rèn đức luyện, nỗ lực bằng tất cả khả năng để có thể vững vàng tiến về phía trước. Bởi đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “Tuổi trẻ là tuổi của tương lai. Muốn có tương lai tốt đẹp thì phải chiếm lấy bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân”.

Đoạn văn 2

Nếu nói bản lĩnh nghiêng về thực hành thì ý chí chính là phần lý thuyết. Muốn thực hành thì phải nắm vững lý thuyết mà áp dụng. Có ý chí, con người mới có đủ quyết tâm để chinh phục những tầm cao mới. Bản thân ý chí vốn không có một định nghĩa cụ thể. Nói đơn giản, đó là quyết tâm cố gắng vượt qua gian khổ thử thách; còn nói phức tạp, ý chí là mồi lửa giúp cho bản lĩnh bùng cháy. Ông bà ta có câu “có chí thì nên” cũng là vì lẽ đó. Chưa nói đến khả năng bạn đến đâu, chỉ riêng việc bạn có cho mình một ý chí sắt đá cùng niềm tin vững vàng thì bạn đã đi trước người khác một bước! Nhưng, cái gì cũng có cái giá của nó, ý chí cũng không phải là một ngoại lệ. Để có được một tinh thần thép khi đứng trước bão tố của cuộc đời, bạn sẽ phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để mài sắt luyện kim! Vậy nên, người nói được câu “Tôi có ý chí” thì rất nhiều, nhưng người mà hành động của họ nói lên điều đó thì quả thực không được mấy ai. Những người chỉ mới giáp mặt cơn lốc xoáy hung tợn đã nhụt chí xin hàng, hay những kẻ sẵn sàng quỳ gối trước những thế lực mạnh mẽ, tất cả bọn họ suy cho cùng đều là vì thiếu đi cái ý chí cần thiết. Họ không biết cách tự tạo cho riêng mình một đế chế hùng mạnh. Những người như thế, chung quy lại, cũng chỉ mãi là kẻ thất bại mà thôi. Còn bạn? Bạn sẽ chọn con đường gập ghềnh hướng tới tương lai hay biến mình thành một con ốc chỉ biết thu mình trong vỏ?

4. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200) chữ bàn về tính Trung Thực

Bài 1

“Trung thực là “chương đầu tiên” trong cuốn sách về sự khôn ngoan” – Thomas Jefferson. Quả đúng như vậy, trung thực là một đức tính quý báu mà bất cứ ai trong cuộc đời cũng đều mong muốn có cho mình. Vậy trung thực là gì? Đó là lối sống ngay thẳng, không bao giờ nói sai sự thật, luôn đứng về lẽ phải, bảo vệ công bằng; trung thực là không dối trá, sống đúng lương tâm mình. Trung thực được thể hiện ở rất nhiều mặt của đời sống. Đó là lúc bạn sai lầm và mạnh dạn nhận lỗi về mình. Trong thi cử chấp nhận điểm kém còn hơn gian lận, quay cóp. Trung thực còn giúp cho chúng ta rất nhiều điều khác trong cuộc sống nữa. Nó giúp ta có được sự tin tưởng, tin yêu của người khác. Trong công việc làm ăn, nếu chúng ta làm ăn trung thực với nhau, không gian dối thì cả hai bên đều có lợi. Nếu mỗi con người là một tấm gương sáng về trung thực thì sẽ tạo nên một xã hội văn minh, công bằng, xã hội ổn định, phát triển. Ta cũng cần phê phán những kẻ gian dối, thiếu trung thực. Những kẻ không trung thực là những kẻ xấu, dễ gây mất niềm tin đối với người xung quanh, khiến ai cũng phải dè chừng. Trong cuộc sống hằng ngày, khi vi phạm lỗi lầm gì thì cố gắng kiếm cớ, nói dối sao cho mình thoát khỏi tội. Đó là những hành vi đê hèn của kẻ không trung thực. Người không trung thực là người không tốt. Vậy nên chúng ta cần đấu tranh loại bỏ thói xấu này ra khỏi xã hội. Tóm lại, trung thực là một đức tính tốt, cao quý rất đáng để cho chúng ta noi theo. Vì thế, ngay từ giờ phút này, hãy chung tay loại bỏ thói dối trá ra khỏi đời sống xã hội, hãy cùng nhau tạo nên một thế giới nơi con người tin tưởng và sống với nhau bình đẳng và bác ái.

Bài 2

Wiliam Sh.Peare từng nói: “Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực”. Vậy “trung thực” là gì? “Trung thực” nghĩa là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, dám nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Trong cuộc sống, người có đức tính trung thực luôn tôn trọng sự thật, chân lý và lẽ phải. Trung thực là một phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người. Trung thực mang đến giá trị lòng tin làm cho cuộc sống xã hội và các mối quan hệ trở nên bền vững. Chúng ta luôn trung thực, thẳng thắn thì luôn có kết quả tốt đẹp vì đem lại lòng tin cho mọi người. Lúc làm sai – người trung thực luôn dũng cảm nhận trách nhiệm, biết sửa sai. Trung thực làm cho xã hội, cộng đồng luôn trong sạch, đẩy lùi được sự tha hoá đạo đức. Trung thực làm cho sự gian dối, giả tạo không còn đất sống. Lòng trung thực mặc dù không đem lại cho ta sự giàu có và quyền lực, nhưng nó mang đến cho ta một xã hội công bằng và có sự tin tưởng giữa người với người. Ngược lại, gian dối và không trung thực sẽ biến con người ta thành những kẻ giả tạo, đạo đức con người dần dần bị hạ thấp, phá bỏ những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Cũng qua đây chúng ta cần rút ra bài học cho mình: là một con người sống trong xã hội hiện đại, đức tính trung thực là không thể thiếu cho bản thân, cần tích cực rèn luyện đức tính đáng quý này để hoàn thiện chính mình, trở thành người công dân tốt đưa đạo đức xã hội ngày càng đi lên, đất nước ngày một phát triển hơn nữa.

5. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về Cống Hiến

Peter Marshall – Giáo của Thượng nghị viện Mỹ từng nói: “Thước đo của đời người không phải thời gian mà là sự cống hiến”. Cống hiến là đóng góp công sức, đóng góp những thứ từ bình thường đến quý giá cho sự nghiệp chung của mọi người, của đất nước. Suy rộng hơn, cống hiến chính là góp phần xây dựng thế giới ngày một văn minh, tân tiến hơn. Người biết cống hiến được tôn trọng và kính nể rất nhiều. Bởi khi ta biết cống hiến, chính là lúc ta biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Biết hi sinh lợi ích của mình vì cộng đồng. Để làm được điều này, ta cần phải mở rộng tầm nhìn của mình đối với thế giới, tránh xa những nông cạn, vị kỉ, nhỏ nhen. Việc cống hiến còn giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách và tâm hồn mình hơn, như biết bao dung hơn, trở thành người quảng đại hơn, yêu thương con người nhiều hơn. “Cống hiến”- hai chữ với hai thanh sắc- khiến ta liên tưởng đến điều gì lớn lao, xa xăm, ta nghĩ chỉ những người xuất chúng mới có khả năng cống hiến cho nhân loại. Như những sáng tạo, những phát minh, tìm kiếm khoa học được đánh giá cao của Mark Zuckerberg – ông chủ của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới – Facebook; Marie Curie với phát hiện vĩ đại cho nền công nghiệp phóng xạ – Uranium. Nhưng chữ “cống hiến” cũng rất đời thường. Đó là sự chăm chỉ lao động của người nông dân, là sự miệt mài với công việc của người trí thức, là sự hăng say trong học tập của lớp trẻ. Phải chăng đó là hình ảnh giản dị của anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long, là các anh lính biên phòng hay hải đảo xa xôi đang ngày đêm canh giữ bình yên cho đất nước. Và cao hơn cả cống hiến, chính là đức hy sinh. Hãy nhớ về những vị anh hùng hữu danh, vô danh, họ đã hy sinh cả mạng sống để cho đất nước được yên tiếng súng, được độc lập tự do. Từ đó, nhắc nhở bản thân mỗi chúng ta phải biết sống vì mọi người, sống vì đất nước, dân tộc và “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”.

6. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ ) bàn về sống Có Ích

Cách để sự tồn tại của mỗi con người trở nên tốt đẹp – ấy chính là sống sao cho có ý nghĩa, sống sao cho có ích. Vậy thế nào là sống cho ý nghĩa? Sống ý nghĩa là sống có ích, sống cao đẹp, cao thượng, biết làm nhiều việc tốt, việc thiện, biết hi sinh và cống hiến; sống cho mọi người và sống hết mình. Quả đúng như vậy, ý nghĩa cuộc sống hình thành trên vô vàn phương diện khác nhau. Sống có ích chính là lối sống tích cực phù hợp với thời đại; làm đẹp cho cuộc sống bản thân, sống hòa hợp với mọi người xung quanh, được nhiều người thừa nhận. Sống có ích còn phải có những hành động, tình cảm, việc làm thiết thực đem lại hiệu quả cho cá nhân cũng như cho cộng đồng. Sống có ích là khi chúng ta biết nghĩ đến người khác, biết hi sinh những cái nhỏ nhặt, và biết rộng mở vòng tay để có chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh hơn chúng ta và biết cách đối nhân xử thế với mọi người, giúp đỡ những người đang hoạn nạn, lắng nghe và chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh…. Sống có ích là khi vấp ngã phải biết đứng dậy, thành công không tự mãn. Ai cũng đều có thể sống có ích, nếu như thế thì xã hội này sẽ tốt đẹp biết bao, sẽ không còn những xấu xa, sẽ không còn những mảng tối trong cuộc sống. Vì thế chúng ta hãy làm nên sự khác biệt, hãy biết sống có ích mỗi ngày, biết phê phán đấu tranh với cái ác, cái xấu để bảo vệ lẽ phải. Hãy là một tấm gương, hãy tìm một mục đích sống của mình để sống có ích từng ngày từng giờ, đừng lãng phí một thời gian nào cả và chúng ta sẽ giúp thế giới trở thành một ngôi nhà tốt đẹp cho mọi người. Sự thật là mọi thứ tồn tại trên đời này đều có nguyên do của nó. Bông hoa tồn tại để góp hương sắc, làm đẹp cho đời. Con ong tồn tại để dâng cho đời những chén mật ngọt ngon. Còn con người, tồn tại để làm cuộc sống của chính mình và mọi người xung quanh trở nên ý nghĩa. Kết lại, chúng ta “phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì những dĩ vãng đớn hèn của mình

7. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về Sự SẺ CHIA trong cuộc sống

Đối với mỗi cuộc đời con người, sự sẻ chia trong cuộc sống là điều vô cùng cần thiết. Vậy sẻ chia là gì? Tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Sẻ chia là một dạng tình cảm xuất phát từ trái tim, sự đồng cảm, và tình yêu thương, được thể hiện khi ta biết quan tâm, lo lắng và giúp đỡ những người xung quanh. Nói cách khác, sẻ chia chính là cho đi mà không mong muốn được nhận lại. Bạn biết đấy, cuộc sống là sự tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Biết sẻ chia chắc chắn sẽ giúp bạn phát triển các mối quan hệ xã hội, tạo nên sự gắn kết với những người xung quanh, từ đó không bao giờ cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo. Đồng thời khi ai đó gặp khó khăn, giúp được họ – dù chỉ một chút thôi – chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và thanh thản hơn rất nhiều. Trong thực tế, không khó để ta bắt gặp và cảm phục những con người mang trong mình đức tính này. Những tình nguyện viên mang trên mình màu áo xanh tình nguyện, các mạnh thường quân không quản ngại khó khăn đến với vùng bão lũ hay đơn giản hơn là một cậu bé biết dành tiền ăn sáng tặng cho người hành khất…, đó đều là những bông hoa đẹp điểm tô cho vườn đời thêm rực rỡ. Tuy nhiên, vẫn có một số người sống ích kỉ, chỉ biết nhận lại chứ không biết cho đi. Họ chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình mà không quan tâm đến người khác muốn gì, nghĩ gì, cần giúp đỡ gì. Đứng trước hiện tượng này, tất cả chúng ta cần học cách đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh từ những việc làm nhỏ nhất: gửi lời chào tới bố mẹ trước khi đi học, chúc người bạn cùng bàn một ngày tốt lành khi tới lớp… Như vậy, chắc chắn cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều. Bởi đúng như một nhà văn Nga từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương của con người”.

Xem thêm: 9 Quy Luật Tâm Lý Đàn Ông Mà Phụ Nữ Có Tính Cách Đàn Ông Khó Chịu

8. Viết đoạn văn 200 chữ bàn về: Khát vọng

Để sống một cuộc đời có ý nghĩa, con người không thể thiếu đi những khát vọng chân chính. Vậy khát vọng là gì? Nó đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta? Khác với tham vọng, khát vọng chính là mong muốn hướng tới những điều lớn lao, tốt đẹp với sự thôi thúc mãnh liệt đến từ sâu thẳm trái tim con người. Nó đem đến một mục đích sống cao đẹp, trở thành động lực giúp ta vượt qua khó khăn trên đường đời. Đồng thời, nó cũng nâng ta lên khỏi những cái tầm thường, vươn tới cái cao cả, thuần khiết hơn, trở thành nền tảng quan trọng để có thể kiến tạo nên lợi ích cho gia đình và xã hội. Thử hỏi, cách đây hơn một trăm năm, nếu người thanh niên Nguyễn Tất Thành không vì khát vọng giành lại độc lập cho dân tộc mà đặt chân lên con tàu Đô đốc Đờ Tác – tơ – ri, biết đến bao giờ chúng ta mới được sống trong hòa bình như ngày hôm nay? Và nếu không có những con người dám ước mơ, dám thực hiện như Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, có lẽ thương hiệu ô tô Made in Vietnam 100% sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực. ..Những người biết khát vọng vươn lên xứng đáng để mỗi chúng ta nêu gương và học tập. Tuy nhiên bên cạnh những con người biết khát vọng và hướng đến những điều tốt đẹp thì trong xã hội vẫn còn đâu đó những con người không biết vươn lên, tự mãn với bản thân. Những người như vậy sẽ làm xã hội đi xuống, họ đáng bị phê phán và lên án. Nói tóm lại, tất cả chúng ta, trong đó có tôi, hãy xây dựng cho mình một khát vọng cao cả và nỗ lực hết sức để biến nó thành hiện thực. Bởi nếu cuộc đời này là bầu trời rộng lớn, khát vọng chính là đôi cánh giúp ta có thể bay xa.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Luận văn